Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch giao thông vận tải

T.H| 02/03/2022 17:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đoàn Giám sát của Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” vừa có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc.

 Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đại biểu Quốc hội, thành viên Đoàn Giám sát, các chuyên gia; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 19/2021/QH15 về việc thành lập Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Đây là chuyên đề giám sát đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, được Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo. Triển khai kế hoạch, Đoàn Giám sát sẽ làm việc với các Bộ, các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Chính phủ, từ đó hình thành bước đầu báo cáo giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung giám sát nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai Luật Quy hoạch, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch, của Chính phủ, bộ ngành, địa phương, các liên quan. Qua giám sát sẽ phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, làm rõ những tồn tại hạn chế đó là do quy định của pháp luật hay do tổ chức thực hiện.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, triển khai Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực chỉ đạo, triển khai quyết liệt 05 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch cấp quốc gia.

Đến nay, 04/05 quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. 01/05 quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ bản đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.

Cụ thể 05 quy hoạch ngành quốc gia của ngành giao thông vận tải gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Tất cả các quy hoạch này đều có thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ, theo Luật Quy hoạch, ở cấp quốc gia sẽ có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Các quy hoạch này được lập trước để định hướng cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn và là cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và quy hoạch.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh cần chú trọng tính kết nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông địa phương với hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiệu quả; tích hợp các quy hoạch theo yêu cầu tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ về ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bổ sung danh mục các tuyến đường địa phương kết nối với các đầu mối giao thông (cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga đường sắt) vào danh mục ưu tiên đầu tư của quy hoạch tỉnh theo khoản 5 Mục IV Quy hoạch mạng lưới đường bộ. Tích hợp các tuyến đường sắt (bao gồm quy mô, hướng tuyến,...) để kết nối cảng biển lớn, cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu kinh tế, khu du lịch... với đường sắt quốc gia đáp ứng nhu cầu vận tải và khả năng, nguồn lực đầu tư của các địa phương; quy hoạch quỹ đất thích hợp khu vực ga để phát triển các đô thị, các khu chức năng (mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông - TOD), tạo nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Chủ động huy động mọi nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kể cả giao thông địa phương.

Thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát và đại biểu tham dự đánh giá cao tinh thần khẩn trương, tập trung và chủ động ngay từ đầu của Bộ Giao thông Vận tải trong việc xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải; Bộ đã phân công trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng, các Thứ trưởng, cũng như các cơ quan, tiến hành kiểm tra đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính đồng bộ của văn bản pháp luật và thực tiễn triển khai, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đánh giá cụ thể hơn về chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động xây dựng quy hoạch đã ban hành; báo cáo rõ ràng hơn các kết quả đạt được, ưu điểm, những khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân khách quan, chủ quan trong thực hiện Luật Quy hoạch; đánh giá chất lượng, tính khả thi của các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực giao thông, vận tải, đặc biệt là tính tương thích và đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia khác và sự hài hòa trong tổng thể quy hoạch chung của quốc gia...

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải đã chuẩn bị báo cáo khá chu đáo, đầy đủ, kỹ lưỡng, bám sát đề cương, nêu và làm rõ được nhiều vấn đề Đoàn Giám sát quan tâm. Bộ đã phân công trách nhiệm cụ thể, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, huy động hiệu quả các nguồn lực, nâng cao tinh thần dân chủ, minh bạch, công khai, sử dụng tối đa ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan tư vấn, các nhà khoa học, lắng nghe ý kiến của các địa phương.

Về một số vấn đề Đoàn Giám sát đã đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, chắt lọc ý kiến để có báo cáo giải trình đầy đủ hơn, trong đó lưu ý làm rõ chất lượng của các văn bản đã ban hành; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc đảm bảo chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành; đánh giá và khẳng định chất lượng của các quy hoạch do Bộ ban hành, tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch khác, rà soát điều chỉnh nếu có, nhất là các quy hoạch có liên quan đến đất đai, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh các đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được nghiên cứu, báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xem xét phân cấp điều chỉnh, xác định thẩm quyền, khắc phục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Luật Quy hoạch. Đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trên cơ sở thông báo của Đoàn Giám sát, khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện báo cáo về các vấn đề Đoàn Giám sát đã đặt ra và gửi lại cho Đoàn Giám sát trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch giao thông vận tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO