Các Hiệp hội ngành, nghề

Bộ Tài chính: Kiên trì trao đổi, hướng tới cân bằng thương mại để cùng phát triển

Minh Hoàng 03/04/2025 - 20:16

Theo đại diện Bộ Tài chính, cần kiên trì tìm ra giải pháp, kiên trì trong trao đổi, chia sẻ với đối tác nhằm hướng tới cân bằng thương mại theo hướng cùng phát triển, vừa tăng kim ngạch thương mại, đồng thời không tăng thuế để người tiêu dùng cả ở Việt Nam và Mỹ đều được hưởng lợi từ việc phát triển thương mại.

thu-truong-btc.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo.

Chiều ngày 3/4/2025, Bộ Tài chính tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2025. Nói về nguyên nhân Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có rất nhiều yếu tố liên quan chứ không chỉ riêng yếu tố thuế. Bộ Tài chính và cơ quan chức năng đang tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân sâu xa.

Tuy nhiên, giải pháp mà Bộ Tài chính hướng tới chính là cân bằng thương mại song hành cùng phát triển. Do vậy, cần kiên trì tìm ra giải pháp, kiên trì trong trao đổi, chia sẻ với đối tác nhằm hướng tới cân bằng thương mại theo hướng cùng phát triển, vừa tăng kim ngạch thương mại, đồng thời, không tăng thuế để người tiêu dùng cả ở Việt Nam và Mỹ đều được hưởng lợi từ việc phát triển thương mại.

Thông tin thêm về việc, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ sang làm việc với Chính phủ Mỹ vào cuối tuần này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ tin tưởng khi cả hai bên cùng kiên trì tìm giải pháp và chia sẻ thông tin với nhau sẽ tìm ra điểm cân bằng phù hợp

Khẳng định Bộ Tài chính đã luôn rất chủ động trước các tình huống, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế cho biết, trước đó, Bộ Tài chính đã thực hiện việc rà soát tất cả các mức thuế nhập khẩu, để từ đó tham mưu Chính phủ các điều chỉnh phù hợp. Gần đây, Chính phủ ban hành 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025, trong đó đã điều chỉnh giảm đáng kể mức thuế suất nhập khẩu một số mặt hàng được một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam quan tâm, trong đó có Hoa Kỳ.

"Nghị định 73 giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối 16 nhóm mặt hàng như ô tô, nông nghiệp, than, ethanol, một số sản phẩm gỗ... Việc thực hiện điều chỉnh thuế suất nhập khẩu theo Nghị định 73 hướng đến mục tiêu cân bằng và cải thiện cán cân thương mại đối với các đối tác lớn, các đối tác có thỏa thuận chiến lược toàn diện, cũng như giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước tiếp cận với các thị trường đa dạng hơn với chi phí thấp hơn", ông Trương Bá Tuấn nói.

hop-bao-btc-1.jpg
Quang cảnh buổi họp báo

Khi tham mưu sửa Nghị định 73, Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể lại toàn bộ thuế đang áp dụng với hàng nhập khẩu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…

Thông tin thêm về báo cáo gần đây nhất của văn phòng đại diện tại Mỹ cũng đã đề cập mức thuế suất nhập khẩu bình quân của Việt Nam chỉ là 9,4%, các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế xuất khẩu là 15%, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế khẳng định, mặt bằng thuế quan của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với mức 90% mà Mỹ đưa ra sáng nay. Nếu chiếu vào con số Mỹ công bố sáng nay thì cần đàm phán lại cơ sở, căn cứ nào để Mỹ đưa ra con số này.

Một trong những ảnh hưởng thấy ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng là việc trong phiên giao dịch sáng ngày 3/4, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Về vấn đề này, ông Hà Duy Tùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, phiên sáng nay thị trường chịu tác động từ chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Diễn biến này có thể còn tiếp diễn, phụ thuộc vào chính sách thực thi tại Hoa Kỳ và phản ứng điều hành ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hà Duy Tùng cũng cho rằng đây là tỉ lệ tương đối nhỏ, bởi tính đến cuối tháng 2/2025, tổng giá trị bán ròng chỉ chiếm khoảng 1,9% danh mục của khối ngoại.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thay đổi - "lúc rút ra, lúc đưa tiền vào". Riêng trong quý I, dòng vốn biến động mạnh hơn bình thường, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm chiến lược đầu tư, chính sách quỹ và tâm lý thị trường.

Về việc nâng hạng thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin thêm, Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí pháp lý, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc xếp hạng còn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan từ các tổ chức quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng thực chất, ổn định và bền vững. Khi đạt đến chất lượng đó, việc nâng hạng sẽ là bước chuyển tất yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính: Kiên trì trao đổi, hướng tới cân bằng thương mại để cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO