Ngày 25/8/2023, Bộ Tài chính đã đệ trình tới Văn phòng Chính phủ về dự thảo liên quan đến việc bãi bỏ thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đồng thời Bộ Tài chính đưa ra một số đề xuất giải pháp thay thế khi các thủ tục này bị bãi bỏ.
PwC Việt Nam chỉ ra một số điểm đáng chú ý trong dự thảo như sau:
Thứ nhất, nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP liên quan đến việc hạn chế việc thực hiện một số thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ nhất định như sau:
2. Bãi bỏ Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ.
Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam được tiếp tục thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ trong thời hạn tối đa không quá 1 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực và phải đáp ứng điều kiện thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương.
Như vậy, theo dự thảo nêu trên, trong giai đoạn chuyển tiếp 1 năm từ ngày Nghị định mới có hiệu lực, các giao dịch của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam có thể tiếp tục được thực hiện thủ tục hải quan xuất nhập khẩu tại chỗ.
PwC Việt Nam đánh giá, đây là điểm đáng hoan nghênh trong đề xuất của Bộ Tài chính, tuy nhiên lưu ý, thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ chỉ có thể được thực hiện nếu thương nhân nước ngoài “không có hiện diện” tại Việt Nam.
Thứ hai, thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ vẫn được áp dụng cho các giao dịch liên quan đến hoạt động gia công và giao dịch mua - bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn thêm về thủ tục hải quan liên quan đến các trường hợp này.
Thứ ba, Bộ Tài Chính đề xuất giải pháp thay thế đối với trường hợp thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam tham gia vào hoạt động mua bán 3 bên, ví dụ như: Sử dụng kho ngoại quan, chuyển đổi doanh nghiệp thường thành doanh nghiệp chế xuất.
Nếu không thì các giao dịch này thực hiện như các giao dịch mua bán nội địa. Trường hợp thực hiện như hoạt động mua bán giữa hai doanh nghiệp nội địa, thì có thể tiềm ẩn nhiều vấn liên quan, trong đó đáng lưu ý như thuế giá trị gia tăng phải nộp hay như chi phí thuế nhập khẩu phải nộp đối với các nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa.
PwC cho rằng, các “giải pháp” nêu trên không lý tưởng và trên thực tế có thể không khả thi về mặt thương mại trong nhiều trường hợp.
“Tuy nhiên, trong khi chờ đợi đề xuất bãi bỏ Điều 35 được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng liên quan nên cân nhắc các giải pháp thay thế và xác định phương án tối ưu hóa việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh sản xuất xuyên suốt của doanh nghiệp”, chuyên gia PwC cho biết.