Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố

P.V| 12/07/2022 15:46
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 12/7/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PwC Việt Nam) tổ chức Hội thảo về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố liên quan đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.


Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc NHNN, các chuyên gia đến từ PwC cùng đại diện Cục Phòng, chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, NHNN đang trong quá trình xây dựng Luật Phòng chống rửa tiền sửa đổi. Luật này dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay. Công tác phòng, chống rửa tiền chưa bao giờ được quan tâm như thời điểm hiện nay.

“Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, chúng ta đều cần phải nỗ lực xây dựng cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

C:\Users\hang.ninhthu\Downloads\KDK_7238 (1).jpg

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Trên cơ sở đó, NHNN phối hợp với PwC Việt Nam tổ chức Hội thảo này, trong đó sẽ tập trung vào các nội dung chính sau: Chuẩn mực quốc tế về đánh giá rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố; giới thiệu về thoả thuận pháp lý từ góc độ rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố; tiếp cận cơ sở rủi ro trong công tác quản lý rủi ro phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; chia sẻ kinh nghiệm của tổ chức quốc tế quốc tế trong quản lý, giám sát rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến hoạt động pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi.

Đây là những nội dung mới, quan trọng đang được đề cập trong Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi, Phó Thống đốc mong muốn diễn giả sẽ tích cực thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lý thuyết cũng như thực tiễn để áp dụng phù hợp vào Việt Nam.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố liên quan đến Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, thỏa thuận pháp lý và chủ sở hữu hưởng lợi là chủ đề rất mới trong thời gian vừa qua. Khi ký kết hợp đồng với đối tác nào, PwC đều phải báo cáo về phòng chống rửa tiền. Vấn đề về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố là vấn đề thời sự, được rất nhiều ngân hàng, tổ chức quan tâm. Để kiểm tra về vấn đề này, quan trọng nhất chính là xác định ai là người cuối cùng hưởng lợi đứng sau, chủ sở hữu công ty và sở hữu bao nhiêu phần trăm, thứ hai là xem họ có liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố hay không. Đối với PwC, 6 tháng một lần sẽ điều tra lại thông tin đó để xác nhận có thay đổi hay không.

Theo Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, thực tế, trong rất nhiều trường hợp, người đứng tên trên giấy tờ khác với người thực sự hưởng lợi đằng sau. Ở nước ngoài, việc thoả thuận đứng tên này được quản lý khá chặt, nhiều nước đã có Luật về điều này. Ở Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về điều này trong khi nhiều nước hoạt động này phải yêu cầu có cấp phép. Do vậy, PwC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này để có thể đem lại những điều phù hợp với Việt Nam để có thể đưa vào trong Luật một cách phù hợp.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thơ – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN trình bày nội dung chuẩn mực quốc tế về đánh giá rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố và quá trình triển khai tại Việt Nam.

Theo khuyến nghị của Lực lương đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), các quốc gia cần phải xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố của quốc gia mình; và cần thực hiện các biện pháp bao gồm việc chỉ định cơ quan có thẩm quyền hoặc thiết lập cơ chế nhằm phối hợp các hành động để đánh giá rủi ro và sử dụng các nguồn lực nhằm đảm bảo rủi ro được quản lý một cách hiệu quả. Dựa trên đánh giá đó, các quốc gia cần áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro (RBA) nhằm đảm bảo các biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu rửa tiền và tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định. Đánh giá rủi ro tổ chức: Các quốc gia cần phải yêu cầu các tổ chức tài chính và ngành nghề phi tài chính được chỉ định xác định, đánh giá và thực hiện các hành động có hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Mục đích của đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) nhằm xác định, đánh giá và hiểu về rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố; Là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên/các lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền/tài trợ khủng bố; Tăng cường năng lực của quốc gia theo 40 khuyến nghị của FATF; Xây dựng/cập nhật chiến lược quốc gia về phòng chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố phù hợp với rủi ro được xác định. Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng.

Thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, NHNN có trách nhiệm “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan định kỳ đánh giá rủi ro rửa tiền tại Việt Nam; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch quốc gia về phòng, chống rửa tiền”. Việt Nam thực hiện đánh giá NRA lần 1 từ tháng 12/2016-4/2019. Ngày 9/12/2016, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 2395, 2396/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban điều phối và các nhóm làm việc NRA. Trên cơ sở đó đã đưa ra kết quả triển khai NRA lần 1. Ngày 30/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền/tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020. Kế hoạch gồm 51 hành động liên quan đến 05 nhóm vấn đề chính: Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; Hợp tác trong nước; Các sản phẩm tài chính toàn diện; Hợp tác quốc tế. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch sau NRA, trong năm 2019, các bộ, ngành đều đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kế hoạch sau NRA tại bộ, ngành mình.

Triển khai NRA lần 2, ngày 29/4/2022, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 817/QĐ-NHNN thành lập Ban điều phối đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền/tài trợ khủng bố. Triển khai NRA lần 2, thành viên Ban điều phối là đại diện của 13 cơ quan, bộ, ngành. Ngày 06/5/2022, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Quyết định số 835/QĐ-NHNN thành lập các nhóm làm việc, tăng thêm 03 nhóm mới so với lần triển khai NRA lần 1. Nhóm đã tổ chức Hội thảo với sự hỗ trợ của WB để thảo luận, góp ý về kết quả NRA. Đồng thời hoàn thiện dự thảo Báo cáo NRA và Kế hoạch hành động quốc gia nhằm giải quyết các rủi ro xác định trong NRA và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong phần trình bày của mình, bà Nguyễn Thị Minh Thơ cũng đề xuất một số vấn đề cần đưa vào Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi.

Hội thảo cũng được nghe các chuyên gia đến từ PwC trao đổi về các nội dung khác như: Giới thiệu về thỏa thuận pháp lý từ góc độ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố; Tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác quản lý rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan đến thỏa thuận pháp lý và các chủ sở hữu hưởng lợi; Chia sẻ kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý và giám sát rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố có liên quan đến thỏa thuận pháp lý và các chủ sở hữu hưởng lợi liên quan…

Thông qua Hội thảo, các đại biểu được cung cấp thêm thông tin, kiến thức về các yêu cầu khuyến nghị của FATF, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các quy định có liên quan tại dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi gồm: Đánh giá rủi ro về rửa tiền, minh bạch thông tin về thỏa thuận pháp lý, chủ sở hữu hưởng lợi; Kinh nghiệm của quốc tế đối với những vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO