Văn hóa

Danh nhân Việt Nam tuổi Thìn

Công Hiếu 10/02/2024 11:19

Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, người tuổi Rồng (sinh năm Thìn) thường năng động, tài giỏi và thành đạt. Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, có nhiều vị tuổi Thìn…

* LÝ TRƯỜNG:

Sinh năm Nhâm Thìn 1052, quê Bắc Ninh, quốc sư thời Lý. Uyên bác và đạo hạnh, mới 20 tuổi ông đã được chọn vào cung dạy hoàng tử. Ít lâu sau đi tu rồi trở thành người đứng đầu dòng thiền Quan Bích. Vua Nhân Tông rất trọng đãi, phong ông làm Nhập nội Đạo tràng, tôn xưng Trưởng lão, thường cùng đàm đạo việc đại sự và xin ý kiến cố vấn của ông. Lý Trường còn là một nhà thơ tài hoa với bút pháp độc đáo, ý tưởng sâu sắc mà thanh nhã.

* MẠC ĐĨNH CHI:

Sinh năm Canh Thìn 1280, quê Hải Dương, danh sĩ thời Trần. Cực kỳ thông minh, chí khí lớn, ứng đối giỏi. Đỗ trạng nguyên năm 24 tuổi, làm quan trải 3 triều vua (Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông), thăng đến Tả bộc xạ Đại liêu ban. Thể hiện khả năng ngoại giao xuất sắc và linh động qua 2 lần đi sứ Trung Quốc, được các danh sĩ nước ngoài hết sức khâm phục. Người đương thời coi ông là gương mẫu về tài năng và tính liêm khiết.

* LÊ VĂN LINH:

Sinh năm Bính Thìn 1376, quê Thanh Hóa, khai quốc công thần nhà Lê. Sát cánh cùng Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh rồi tận tụy phò tá 3 thế hệ vua Lê, làm đến chức Thiếu phó, trở thành trụ cột của vương triều này và là người dày công trong sự nghiệp giữ nước, mở nước, an dân. Ông được đặc biệt nể trọng bởi khí phách quân tử và tính cương trực.

* VŨ DƯƠNG:

Sinh năm Nhâm Thìn 1472, quê Hải Dương, danh thần đời Lê Thánh Tông. Năm 21 tuổi đậu trạng nguyên, từ thi Hương đến thi Đình đều đỗ đầu, làm quan tới Thượng thư (Bộ trưởng) Bộ Công, từng đi sứ Trung Quốc nhiều lần. Ông là 1 trong 28 người giỏi thơ văn nhất được vua chọn vào Hội Tao đàn.

* PHẠM PHÚ THỨ:

Sinh năm Canh Thìn 1820, quê Quảng Nam, danh sĩ, đại thần triều Nguyễn. Học giỏi toàn diện, năm 1842 đỗ đầu thi Hương, năm sau đỗ tiến sĩ, làm quan tới Thượng thư. Năm 1863, làm Phó sứ sang Pháp thương thuyết rồi đi thăm nhiều nước châu Âu (Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...). Khi về, dâng lên triều Nguyễn một số chương trình cải cách cơ bản và nhiều sách về khoa học thực nghiệm, ngoại giao và thơ văn mà mình sáng tác, ghi nhận trên đường công cán. Là nhà khoa học xuất sắc, ông được coi là người đặt nền móng cho các ngành khoa học tự nhiên và khoa học ứng dụng Việt Nam.

* TRƯƠNG ĐỊNH:

Sinh năm Canh Thìn 1820, quê Quảng Ngãi, anh hùng chống Pháp. Dòng dõi quan võ; do có công chiêu mộ dân nghèo khai hoang lập ấp nên được nhà Nguyễn phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, ông đem quân chặn giặc, thắng nhiều trận lớn. Sau khi ký hòa ước với Pháp (1862), triều Nguyễn buộc ông bãi binh nhưng ông cưỡng lệnh, tự tuyển lính kháng Pháp, xưng là Bình Tây Đại Nguyên soái, được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nghĩa quân tung hoành khắp Nam Bộ. Qua nhiều lần dụ hàng và đàn áp không nổi, sáng ngày 19/8/1864, giặc mở cuộc bao vây, tấn công rất quy mô. Chiến đấu đến cùng, bị bắn gãy xương sống, Trương Định rút gươm tự sát chứ không để địch bắt. Ông trở thành biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và khí tiết nam nhi.

* NGUYỄN QUANG BÍCH:

Sinh năm Nhâm Thìn 1832, quê Thái Bình, chí sĩ cận đại. Học giỏi, văn hay, năm 1861 thi đỗ và làm quan triều Nguyễn. Chủ trương chống Pháp triệt để, dốc sức hưởng ứng phong trào Cần vương của vua Hàm Nghi (1885), trở thành lãnh tụ kháng chiến Bắc Kỳ, được phong làm Thượng thư Bộ Lễ kiêm Tổng chỉ huy quân đội miền Bắc. Ông để lại hình ảnh đẹp về một vị quan rất mực thương dân, một nhà yêu nước bất khuất, một thi sĩ tài hoa và kiêu hùng.

* PHAN ĐÌNH PHÙNG:

Sinh năm Giáp Thìn 1844, quê Hà Tĩnh, chí sĩ, anh hùng chống Pháp. Đỗ đình nguyên năm 1877, làm quan triều Tự Đức tới chức Ngự sử. Yêu nước và khảng khái, ông thẳng thắn lên án thái độ tiêu cực, hèn nhát của nhà Nguyễn rồi chiêu tập, lãnh đạo binh sĩ kiên quyết đánh Pháp. Trong suốt 10 năm (1885-1895), nghĩa quân Phan Đình Phùng hoạt động mạnh mẽ, lập nên những chiến thắng vang dội, làm giặc thất điên bát đảo, vất vả lắm mới trấn áp được.

* NGUYỄN THƯỢNG HIỀN:

Sinh năm Mậu Thìn 1868, quê Hà Nội, danh sĩ, chí sĩ yêu nước. Học giỏi, chí lớn, năm 17 tuổi đỗ cử nhân, 24 tuổi đỗ hoàng giáp nhưng lại lui về ẩn dật, triều đình mời mãi mới ra làm quan chức sư phạm. Năm 1907, ông từ quan, sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông du, từ đó sát cánh với Phan Bội Châu lo việc cứu nước. Năm 1915, ông sang Thái Lan liên lạc với công sứ nước Đức và Áo, bàn kế hoạch hợp tác đánh Pháp. Gặp nhiều rủi ro và thất bại, đau xót vào tu tại chùa Thường Tịch Quang (Trung Quốc) và mất ở đây năm 1925. Chẳng những là một nhà ái quốc nhiệt tình, khí tiết, ông còn là một nhà văn lớn với nhiều công trình giá trị về văn xuôi, ngôn ngữ học và hơn 600 bài thơ.

* NGUYỄN LƯƠNG BẰNG:

Sinh năm Giáp Thìn 1904, quê Hải Dương, nhà cách mạng lão thành. Nồng nàn yêu nước, trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng (1925-1979), ông đã cống hiến cả đời mình cho dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh và cương vị nào, đều hăng hái làm tròn nhiệm vụ, nêu gương sáng về đạo đức trung thành, tác phong cần cù, giản dị và nghị lực cao. Ông từng giữ nhiều chức vụ chính trị, ngoại giao quan trọng và làm tới Phó Chủ tịch nước Việt Nam.

* TRẦN PHÚ:

Sinh năm Giáp Thìn 1904, quê Hà Tĩnh, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1922, tốt nghiệp thành chung, dạy học ở Vinh, tham gia lập hội Phục Việt. Năm 1926, ông sang Trung Quốc, được kết nạp vào Cộng sản đoàn rồi về nước gây dựng phong trào. Năm 1927, được cử sang học tại trường Đại học Phương Đông ở Moskva (Nga) và làm bí thư chi bộ trường. Tháng 10/1930, tại Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Đảng họp ở Hồng Kông, được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương (bao gồm cả Đảng Cộng sản Việt Nam). Do hoạt động cách mạng sâu rộng và vai trò quan trọng, ông bị giặc Pháp săn lùng ráo riết, bị bắt ngày 19/4/1931 và mất trong ngục ngày 6/9 năm đó.

* ĐÀO DUY ANH:

Sinh năm Giáp Thìn 1904, quê Thanh Hóa, nhà sử học, nhà văn hóa danh tiếng. Tốt nghiệp thành chung năm 1923, sôi nổi tham gia hoạt động chính trị, dạy học, làm báo tại miền Trung và nghiên cứu các khoa học xã hội. Từ sau Cách mạng tháng Tám, ông làm giáo sư giảng dạy cho nhiều trường đại học ở Hà Nội. Là một học giả uyên bác, ông sáng tạo nhiều công trình rất giá trị về ngôn ngữ, văn chương, lịch sử..., đóng góp lớn cho nền văn hóa sử nước nhà.

* NGUYỄN VĂN TRỖI:

Sinh năm Canh Thìn 1940, quê Quảng Nam, anh hùng chống Mỹ. Làm thợ điện nhưng sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tổ chức biệt động vũ trang thuộc Đại đội Quyết tử 65. Đầu năm 1964, anh ra căn cứ Rừng Thơm (Long An) học chính trị và nghệ thuật biệt động nội thành, từ đó tổ chức và chỉ huy nhiều trận đánh. Ngày 9/5/1964, anh bị bắt lúc đang gài mìn tại cầu Công Lý để tiêu diệt phái đoàn quân sự cấp cao của giặc Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Không lung lạc được ý chí, chính quyền Sài Gòn đem anh ra xử bắn ngày 15/10/1964. Tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và cái chết bi hùng của anh gây xúc động mạnh mẽ cho nhân dân Việt Nam và thế giới bấy giờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh nhân Việt Nam tuổi Thìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO