Phá chuyên án lừa đảo chuyển tiền qua mạng

Bùi Trang| 30/11/2022 17:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với thủ đoạn mạo danh là nhân viên ngân hàng cho vay vốn, các đối tượng lừa đảo dẫn dắt người bị hại chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

 

Vừa qua, lực lượng chức năng thuộc Công an tỉnh Bắc Kạn và Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp bắt giữ thành công hai đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mạo danh nhân viên ngân hàng vay vốn.

Cụ thể, ngày 25/10/2022, trong khi lướt Facebook, ông Triệu Văn Hưởng, trú tại Nà Rẫy, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn thấy xuất hiện tài khoản “Ngân hàng BIDV cho vay vốn với số tiền 200.000.000 đồng”. Liên hệ với tài khoản này, ông Hưởng được giới thiệu liên hệ với Zalo “Trần Văn Thống” số điện thoại 0784384008 để hỗ trợ.

Để vay được 200.000.000 đồng, “Thống” yêu cầu ông Hưởng cung cấp ảnh CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại của ông Hưởng nhằm mục đích liên kết Ví Zalo Pay của đối tượng với tài khoản ngân hàng của ông Hưởng. Ngay sau đó tài khoản của ông Hưởng đã bị trừ 20.000.000 đồng là khoản phí để thực hiện hồ sơ. Đối tượng đã rút thành công 5.000.000 đồng vì hạn mức mỗi lần rút qua ví ZaloPay chỉ được 5 triệu đồng, nếu muốn giao dịch tiếp thì cần xác thực định danh điện tử đối với tài khoản zalo. Do tài khoản ảo được tạo bằng sim rác, số tiền 15 triệu đồng đã bị đóng băng trong ví Zalo đó.

Sau đó, đối tượng yêu cầu ông Hưởng chuyển thêm 14.200.000 đồng tiền phí giải ngân khoản vay vào số tài khoản 1029955236, mang tên Phạm Thanh Hợp mở tại Vietcombank. Thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, ông Hưởng vẫn chưa nhận được khoản vay và tiếp tục được “Thống” hướng dẫn liên hệ với Zalo “Nguyễn Công Đăng” qua số điện thoại 0768551830 để được hỗ trợ.

Với nhiều lý do khác nhau, “Đăng” yêu cầu ông Hưởng chuyển 3 lần với tổng số tiền 10.600.000 đồng mà vẫn không nhận được tiền giải ngân. Các đối tượng tiếp tục yêu cầu ông Hưởng chuyển thêm số tiền 1.500.000 đồng nhưng nghi ngờ bị lừa ông Hưởng đã không chuyển tiền. Ngày 26/10/2022, ông Hưởng đến cơ quan Công an để trình báo sự việc, tổng số tiền bị lừa đảo chiếm đoạt là 44.800.000 đồng.

Sau gần 30 ngày điều tra xác minh, ngày 24/11/2022 với sự phối hợp của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Nam, lực lượng công an cơ sở, 2 đối tượng: Hứa Văn Ngọc Thảo (sinh năm 2002, trú tại xã Duy Phước) và Nguyễn Văn Trường (sinh năm 2003, trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã bị bắt và di lý về Công an huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn để phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan công an, Hứa Văn Ngọc Thảo khai nhận: “Trong 1 tuần chạy quảng cáo trên Facebook thì nhận được hằng trăm tin nhắn vay tiền của người có nhu cầu. Nhiều người cũng không tin vì từng bị lừa, hoặc thấy mức phí cao nên không vay. Khi con mồi sập bẫy, Thảo chủ động gửi thẻ nhân viên ngân hàng giả của mình cho bị hại để tạo lòng tin, rồi vẽ ra các khoản phí thực hiện hồ sơ, phí giải ngân và lừa chuyển tiền… mỗi hồ sơ trung bình là 1.500.000 đồng. Đây là lần đầu tiên lừa bị hại được nhiều tiền như thế”.

Đối tượng Nguyễn Văn Trường khai nhận: “Đã thực hiện trên 10 vụ lừa đảo bằng cách yêu cầu nạn nhân chuyển tiền phí hồ sơ vào tài khoản. Nếu nạn nhân nghi ngờ, yêu cầu gọi cuộc gọi video để kiểm chứng thì sẽ cắt mọi liên lạc”.

Hai đối tượng cũng khẳng định nếu như bị hại không cung cấp mã OTP thì các đối tượng cũng không thể chiếm đoạt được tiền trong tài khoản.

Tại Bắc Kạn cũng đã từng có nạn nhân sập bẫy lừa đảo tương tự nhưng do loại tội phạm này là tội phạm ẩn danh, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. Quá trình dẫn dụ đều thực hiện mang tính chất cá nhân, nếu như bị hại không tự phát hiện thì sẽ tiếp tục bị lừa. Vì vậy, người dân cần cảnh giác để không bị rơi vào bẫy của loại tội phạm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá chuyên án lừa đảo chuyển tiền qua mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO