Ngoài vấn đề cổ tức, giới chuyên môn nhận định, mục tiêu lợi nhuận như thế nào cũng là vấn đề được các cổ đông quan tâm...
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng đã khởi động. Năm nay, VIB là ngân hàng tổ chức ĐHCĐ sớm nhất vào ngày 15/3. Một trong những nội dung nổi bật tại kỳ họp thường niên năm nay là việc ĐHCĐ của VIB đã thông qua kế hoạch chia 35% cổ tức cho cổ đông với mức tối đa 15% bằng tiền mặt, 20% cổ phiếu thưởng, qua đó tăng vốn điều lệ lên 25.368 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng dư nợ tín dụng 292.500 tỷ đồng, tăng 25% và tỷ lệ nợ xấu khống chế ở mức dưới 3% (năm 2022 là 1,79%)...
Sau VIB, Nam A Bank đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2023. Đại hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó ngân hàng sẽ niêm yết trên sàn HoSE hoặc HNX, mở rộng mạng lưới, thành lập chi nhánh tại nước ngoài… Riêng về cổ tức, ngân hàng dự kiến tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, tiếp tục tăng vốn điều lệ nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn nhằm mở rộng và phát triển kinh doanh.
Với sự cho phép của NHNN, nhiều ngân hàng đã bổ sung ngay phương án chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chỉ được chia cổ tức bằng cổ phiếu. TPBank thông báo phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023, dự kiến là 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian chi trả dự kiến trong quý I/2023
Trong kế hoạch lợi nhuận và phân phối lợi nhuận năm 2022 của ACB, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Đây là lần đầu tiên, ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau 7 năm. Lần gần đây nhất là năm 2015, ACB đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 700 đồng. VPBank cũng dự kiến từ năm nay sẽ trình ĐHCĐ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB, cho biết, sau khoảng 3 năm tuân thủ quy định của NHNN về không chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng tiềm lực cho ngân hàng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, từ năm 2023, VIB sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. “Năm 2023 nếu không có hạn chế thì có thể đặt kỳ vọng chia cổ tức từ 30% trở lên. Tỷ lệ chia cổ tức cao đã được VIB duy trì thành thông lệ qua nhiều năm”, ông Đặng Khắc Vỹ thông tin thêm.
Theo đánh giá của ông Trần Tánh – Phó Trưởng phòng phân tích và nghiên cứu CTCK Yunata, khác với mọi năm, năm nay các ngân hàng đã được phép chia cổ tức bằng tiền mặt. Do đó chắc chắn nhiều ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt để đáp ứng yêu cầu của các cổ đông. Song thực tế, ông Tánh cho rằng, không phải ngân hàng nào cũng có thể chia cổ tức bằng tiền mặt. Các ngân hàng có bộ đệm vốn cao, việc chia cổ tức bằng tiền mặt không vấn đề gì. Nhưng một số ngân hàng có hệ số CAR thấp thì sẽ phải cân nhắc, bởi bộ đệm vốn mỏng sẽ rất rủi ro khi thị trường có biến động. “Đối với những ngân hàng này lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu là phù hợp, không nên chạy theo chia cổ tức bằng tiền mặt để vừa lòng các cổ đông tự gây khó cho mình”, ông Tánh khuyến nghị.
Ngoài vấn đề cổ tức, giới chuyên môn nhận định, mục tiêu lợi nhuận như thế nào cũng là vấn đề được các cổ đông quan tâm. Trước mùa ĐHCĐ nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng khi đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh. Thực tế, đến ngày 17/3 tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 1% so với cuối năm 2022 - thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái, phần nào đã cảnh báo một năm kinh doanh không dễ dàng với các nhà băng. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho hay, năm nay tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn các năm trước, vì môi trường kinh doanh không thuận lợi. Nhiều ngân hàng sẽ phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của ngân hàng. Vì thế, OCB không dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao như năm 2022.
Ông Nguyễn Hữu Trung - Quyền Tổng giám đốc VietBank cũng nhận định, hoạt động kinh doanh ngân hàng gặp nhiều áp lực trong năm nay, một phần cũng bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề do đơn đặt hàng giảm rõ rệt vì cầu của thế giới giảm, trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Xu hướng này dự báo còn kéo dài đến hết nửa đầu năm 2023. “Các điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất và tình hình hoạt động ngân hàng trong năm 2023”, ông Trung nhìn nhận.
Thực tế, trong kế hoạch kinh doanh năm nay nhiều ngân hàng đặt ra mục tiêu lợi nhuận thấp hơn khá nhiều so với năm trước. Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ tăng 5-6% so với kết quả đạt được trong năm 2022; trong khi năm trước mục tiêu này ghi nhận mức tăng trưởng hơn 26%. Eximbank dù đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay khá cao so với các ngân hàng khác (34,8%), song thấp hơn nhiều kết quả đạt được năm 2022 (tăng 207%)…
Doanh nghiệp khó khăn, sức khỏe suy giảm; tín dụng tăng trưởng chậm kéo theo chất lượng tài sản giảm sút nợ xấu có nguy cơ gia tăng là một thách thức lớn của các ngân hàng năm nay. Đây cũng là những nội dung theo đánh giá của ông Tánh được cổ đông quan tâm trong mùa ĐHĐCĐ năm nay. Nhất là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS, đầu tư trái phiếu lớn sẽ phải giải trình minh bạch cụ thể để trấn an tâm lý các cổ đông.
Vấn đề nhân sự cấp cao cũng sẽ thu hút sự quan tâm của các cổ đông khi một số ngân hàng đã có thay đổi trước thềm đại hội cổ đông. Đơn cử tại LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc sau hơn 11 năm đảm nhiệm chức vụ này tại ngân hàng. Ngay sau đó, HĐQT của LienVietPostBank bổ nhiệm ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng giám đốc thường trực giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc. Việc bổ nhiệm này theo LienVietPostBank nhằm hướng tới sự thay đổi mạnh mẽ theo định hướng chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới.
Ngoài LienVietPostBank, tại KienlongBank cũng thay đổi nhân sự cấp cao. Ông Đỗ Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc đã xin được từ nhiệm vì lý do cá nhân. KienlongBank cũng cho biết dự kiến trong thời gian tới sẽ có nhiều đổi mới trong bộ máy lãnh đạo quản trị, điều hành khi năm 2023 KienlongBank sẽ bầu bổ sung nhân sự HĐQT, ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023 - 2027.
Đến thời điểm này, hầu hết các NHTMCP lớn nhỏ đều đã lên lịch tổ chức ĐHCĐ và đa phần tổ chức trong tháng 4 tới như SHB, Eximbank, VietinBank, Vietcombank, BIDV, BacABank, HDBank, OCB, KienLongBank, VietABank, Saigonbank…