(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2020, đầu tư công tiếp tục là tâm điểm chú ý, là một trong 5 mũi nhọn đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Quốc hội và Chính phủ nhấn mạnh, đặc biệt trong giai đoạn này khi dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút.
Báo cáo về kinh tế - tài chính vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố cho biết, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần phải giải ngân hết số vốn này và việc giải ngân phải thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn vào cuối năm.
Theo báo cáo trên, dự án đầu tư công trọng điểm trong năm 2020 là dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông có tổng chiều dài 1.811km (bao gồm 3 dự án đã khởi công, 3 dự án được Quốc hội phê duyệt chuyển hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, 5 dự án còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP). Nếu đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định để giảm gánh nặng lên NSNN.
3 dự án chuyển hình thức đầu tư có vốn đầu tư lớn, nhà đầu tư khó huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Với điều chỉnh này, tổng mức đầu tư giảm xuống khoảng 100.816 tỷ, trong đó vốn NSNN khoảng 78.461 tỷ (tăng 23,5 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu và thấp hơn mức 44,5 nghìn tỷ đồng nếu chuyển cả 8 dự án sang đầu tư công).
Ngoài ra, có một số dự án đáng quan tâm trong năm 2020. Ngày 1/6/2020, Bộ Giao thông vận tải phát đi thông cáo về việc triển khai hai dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư gần 4.047 tỷ đồng.
Một số dự án lớn khác trong năm nay có thể được giải ngân với tổng vốn đầu tư 28.000 tỷ: dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (tháng 10); dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho sân bay Long Thành (dự kiến bàn giao mặt bằng tháng 10)...
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch. Như vậy, còn lượng vốn rất lớn (hơn 577 nghìn tỷ đồng) đang chờ giải ngân. Các chuyên gia đều đánh giá, việc giải ngân hơn 577 nghìn tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2020 là thách thức rất lớn.
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, các giải pháp quyết liệt được đề xuất để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gồm:
Thứ nhất, cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến hết tháng 9/2020 có tỷ lệ giải ngân thấp sẽ được điều chỉnh cho các dự án giao thông cấp bách, các dự án chống ngập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tháng 10 năm 2020;
Thứ hai, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra sẽ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu và cá nhân có liên quan.
Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam bày tỏ hy vọng: “Với ý chí quyết tâm từ Chính phủ, các dự án đầu tư công đã được phân bổ ngân sách trong năm nay sẽ được tích cực triển khai, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước”.