Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thanh Hải| 10/09/2021 14:28
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng nay, 10/9/2021, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức trực tuyến Phiên họp toàn thể Hội đồng năm 2021. Phiên họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính chủ trì.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh, từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã gây tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của nước ta. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp.

Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã trải qua hơn 13 năm hoạt động kể từ ngày thành lập tới nay. Hoạt động của Hội đồng là một kênh hữu hiệu giúp Thủ tướng Chính phủ nắm bắt thực tế, từ đó, đưa ra các quyết sách kịp thời để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển kinh tế-xã hội. "Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ chính là cầu nối thu hẹp khoảng cách giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Hình họp trực tuyến tại các điểm cầu - Ảnh chụp màn hình

Báo cáo về tình hình, kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng, cho biết, các hoạt động của Hội đồng cơ bản được triển khai theo Kế hoạch đề ra, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn khi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thương mại...

Các đề xuất, kiến nghị của các Ban công tác và các thành viên Hội đồng đều được cơ quan thường trực Hội đồng kịp thời báo cáo Lãnh đạo Chính phủ giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, xử lý theo thẩm quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 8 tháng đầu năm 2021, các thành viên Hội đồng đã tích cực, chủ động tham gia ý kiến đối với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực: giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế. Trong đó, Hiệp hội Ngân hàng là một trong những hiệp hội tham gia tích cực nhất.

Dù tiếp tục phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp nhưng theo ông Ngô Hải Phan, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến một số hoạt động không được tổ chức theo Kế hoạch đã đề ra, có thể kể đến như: hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, TTHC và Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ đầu mối của các cơ quan thành viên Hội đồng chưa được triển khai; công tác phối hợp, gắn kết trong hoạt động của từng Ban công tác, từng thành viên Hội đồng còn chưa chặt chẽ…

Nhất trí với báo cáo đưa ra tại phiên họp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 4 tháng cuối năm 2021, VCCI sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong tuần tới, VCCI sẽ cho ra mắt và đi vào hoạt động Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19, cùng với đó là lập một nền tảng trực tuyến (24/7) để các doanh nghiệp có thể liên tục phản ánh các vấn đề khó khăn gặp phải, cũng như các đề xuất và kiến nghị với Chính phủ và địa phương. Ông Phạm Tấn Công cho biết, trong Hội đồng được VCCI lập sẽ có sự tham gia của các Bộ, ngành, cùng với đó là nhiều tổ công tác, trong đó có tổ công tác chuyên về chính sách để nghiên cứu các vấn đề vướng mắc về TTHC…

Về hoạt động chung của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, ông Phạm Tấn Công đề nghị, Hội đồng cần tiến hành hoạt động giám sát tiến độ, đánh giá kết quả thúc đẩy cải cách TTHC. Cùng với đó là nghiên cứu, xác định các mô hình và sáng kiến tốt ở các địa phương và Bộ ngành, từ đó nhân rộng trong thực tế. Ông Phạm Tấn Công cũng kiến nghị: “Trong những tháng còn lại của năm 2021, các thành viên của Hội đồng cũng cần đặc biệt chú ý đến các thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến TTHC và có những hỗ trợ hiệu quả nhất cho doanh nghiệp và người dân”.

Nhấn mạnh những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban IV, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho rằng, dịch COVID-19 đang trở thành vấn đề “sinh, tử” của người dân và doanh nghiệp, nếu ứng xử không tốt thì hệ quả sẽ rất nặng nề. Làn sóng dịch lần thứ 4 đã để lại những tác động nặng nề cho kinh tế xã hội tại Việt Nam, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển một phần công việc của họ ra khỏi Việt Nam.

Với thực trạng như vậy, ông Trương Gia Bình đề nghị cần phải nhanh chóng, quyết đoán trong vấn đề phòng, chống dịch COVID-19. Điều quan trọng nhất, là phải thay đổi lại vị trí của các doanh nghiệp, của các Hiệp hội trong cuộc chiến chống COVID-19. Thay vì coi doanh nghiệp là đối tượng kiểm soát xem có thực hiện nghiêm túc “3 tại chỗ” hay không như trước đây, thì nay cần phải coi doanh nghiệp tương đương với các phường, xã có những chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn trong công tác chống dịch. “Trong mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp hiện nay, cần phải thay đổi vị trí để doanh nghiệp tích cực tham gia vào làm một lúc hai việc: vừa đảm bảo về sức khỏe cho nhân viên, vừa đảm bảo duy trì sản xuất không bị đứt gãy”, ông Trương Gia Bình đề nghị.

Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các thành viên trong triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, các thành viên Hội đồng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò cầu nối giữa Chính phủ và người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các thành viên tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; theo đó, lựa chọn một số vấn đề, lĩnh vực trọng tâm - đang là “điểm nóng, điểm nghẽn” đối với doanh nghiệp để tổ chức rà soát, đánh giá độc lập, đề xuất và tham gia ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị trên cơ sở Quy chế làm việc của Hội đồng, từng ban công tác, từng thành viên Hội đồng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động theo kế hoạch và các nhiệm vụ mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thay vì từng thành viên hoạt động riêng lẻ, các thành viên thuộc các ban công tác cần liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau, đẩy mạnh hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO