Sáng ngày 12/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội nghị.
Giải ngân đúng mục tiêu, đối tượng, hiệu quả, không giải ngân gấp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, những năm gần đây, nhất là khi đại dịch COVID-19 xảy ra và hậu đại dịch, cùng những diễn biến trong, ngoài nước đều là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản.
Trước tình hình đó, thời gian qua, Chính phủ luôn xác định phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, thoát khỏi trầm lắng. Rất nhiều cơ chế, chính sách, hội nghị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt hỗ trợ thị trường bất động sản ổn định, từng bước triển khai. Ngoài ra, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để khảo sát đánh giá tình hình, khó khăn của các địa phương để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án xây dựng.
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, trong suốt năm 2023, vượt qua nhiều thách thức, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực hết mình để đẩy mạnh tín dụng trong nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản. Bởi ngân hàng xác định luôn luôn đồng hành với thị trường bất động sản, vì có mối quan hệ chặt chẽ với tín dụng ngân hàng.
Minh chứng là trong bối cảnh khó khăn nhưng dư nợ tín dụng bất động sản vẫn đạt 2 triệu 890 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Ngoài ra, trong năm 2023, tăng trưởng tín dụng tăng 13,71%, trong đó thị trường bất động sản dù rất trầm lắng và khó khăn nhưng tín dụng bất động sản vẫn ghi nhận tăng 12,1%.
Đặc biệt, tín dụng đã chảy vào các phân khúc đang khuyến khích như nhà ở thương mại, nhà ở có nhu cầu ở thực, hạn chế vào phân khúc nghỉ dưỡng, cao cấp.
Phó Thống đốc khẳng định, bất động sản luôn là vấn đề được NHNN quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ thị trường này phục hồi và phát triển ổn định. Chính vì thế, trong nhiều chính sách của NHNN đều dành cơ chế thoả đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các NHTM…
"Đó là những giải pháp rất tích cực, quyết liệt, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Riêng đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc thông tin, hiện nay 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Viecombank, BIDV và VietinBank) tham gia với 30.000 tỷ đồng/ngân hàng. Gần đây, TPBank có tham gia đăng ký một gói 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng gói này có quy mô 125.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm 1,5 - 2%, tùy đối tượng tham gia. Giảm 1,5% áp dụng cho nhà đầu tư kinh doanh và 2% dành cho người mua nhà. Như vậy, đầu xây dựng đã được giảm 1,5 % và đầu mua nhà được giảm 2%, tổng thể giảm 3,5%.
Vì vậy, quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ này, hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
"Do đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì vậy có thể kéo dài một vài năm cho nên không giải ngân thật gấp thật nhanh. Nhưng những dự án đủ điều kiện thì phải được giải ngân ngay”, Phó Thống đốc lưu ý.
Nhiều giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai
Báo cáo về tình hình triển khai Chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nêu rõ, NHNN cũng đã quy định rất rõ các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các NHTM và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn.
“Có thể nói đây là Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục và các điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận chương trình”, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết.
Theo đó, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh triển khai chương trình. Ngay sau khi ban hành văn bản hướng dẫn, NHNN đã ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN và 4 văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh và TCTD tích cực triển khai cho vay đối với chương trình 120.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024, NHNN tiếp tục chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp kịp thời, linh hoạt để triển khai quyết liệt chương trình này.
Với những giải pháp đã thực hiện, bước đầu, chương trình đã có một số kết quả nhất định. Qua tổng hợp, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, đến nay có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.
Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.
Gỡ khó tiếp cận
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp cho biết, tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng còn chậm do thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, các địa phương thiếu nguồn đất sạch. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề liên quan đến thời hạn hỗ trợ, thẩm định dự án...
Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của NHNN, Vietcombank đã nhanh chóng triển khai các chương trình công bố sản phẩm, truyền thông rộng rãi về gói hỗ trợ này. Cho đến nay, ngân hàng đang tiếp cận khoảng 21 dự án, bao gồm cả các dự án đã đủ các điều kiện pháp lý và các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Vietcombank cũng đã ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng, với quy mô tín dụng khoảng 500 tỷ đồng. Hiện chưa phát sinh dư nợ, song theo dự kiến đến cuối tháng 6/2024, dự nợ sẽ đạt khoảng 50 tỷ đồng và đến hết năm 2024 là 900 tỷ đồng.
Đại diện Vietcombank khẳng định, ngân hàng rất mong muốn cho vay, tuy nhiên các dự án đủ điều kiện cho vay còn hạn chế. Vietcombank cũng đã tích cực phối hợp với khách hàng hoàn thiện thủ tục pháp lý, song một số thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý địa phương chưa được tháo gỡ. Dó đó, Vietcombank mong muốn các cơ quan quản lý tạo điều kiện để các dự án khẩn trưởng hoàn thiện về mặt pháp lý.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng khẳng định, ngân hàng này rất muốn cho doanh nghiệp vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Với riêng gói 120.000 tỷ đồng, ngay khi NHNN có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến toàn chi nhánh nhưng còn nhiều thủ tục vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiến cập 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng.
Đại diện BIDV bày tỏ nguyện vọng, Bộ Xây dựng và các bộ ngành, địa phương tháo gỡ thủ tục pháp lý về dự án cho doanh nghiệp, mở rộng đối tượng thuê mua nhà ở xã hộ để ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm đầu tư vốn.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Ban điều hành VietinBank cho biết, VietinBank đã tham gia 8 dự án (trong đó có 5 dự án đã cấp vốn, đã giải ngân khoảng 427 tỷ đồng) trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn theo gói hỗ trợ này. VietinBank rất mong muốn thực hiện cho vay hỗ trợ, tuy nhiên còn phụ thuộc nhu cầu tín dụng của khách hàng khi nhiều khách hàng sử dụng vốn tự có.
Tương tự, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 dự án nhà ở xã hội, cam kết cho vay 2.500 tỷ đồng và đã giải ngân 400 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 5 dự án mới, với tổng số tiền khách hàng vay khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo đại diện của Agribank, một trong các nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tận dụng vốn tự có và không vay.
Đối với kiến nghị về lãi suất cho người mua nhà từ phía các doanh nghiệp, Agribank cho biết, sau 5 năm, ngân hàng sẽ có lãi suất thả nổi, phù hợp và hỗ trợ với đối tượng này.
Khẳng định, ngân hàng tham gia gói 120.000 tỷ đồng không vì mục đích lợi nhuận hay quảng bá mà đi vào thực chất, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank đã có kinh nghiệm tham gia gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2012 – 2016. Qua triển khai thực tế cho thấy, người mua nhà tham gia gói hỗ trợ này xuất phát từ nhu cầu thực tế nên có rất ý thức trả nợ và nợ xấu phát sinh rất ít.
Ông Hưng thông tin thêm, đối với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, khi tham gia, TPBank xác định cho vay cả đối với chủ đầu tư và đối với người mua nhà. Đối với chủ đầu tư, ngân hàng đã tham gia một số dự án và đã giải ngân một dự án tại TP. Hồ Chí Minh với dư nợ ban đầu khoảng 170 tỷ đồng, mức cam kết khoảng gần 700 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số dự án khác tại Bình Định.
Về phía NHNN, qua thời gian triển khai chương trình, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, NHNN nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc như: nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế; một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị; một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn.
Các TCTD qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các TCTD chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng thì chỉ có 4 dự án (tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nghệ An) trên 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Về phía người mua nhà, theo báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng… vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở (2014) quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà đã tăng cao....
"Thực tế triển khai cho vay đối với người mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho thấy, việc cho vay với đối tượng này còn gặp nhiều vướng mắc do nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều đối tượng có nhu cầu nhưng qua rà soát không đủ điều kiện để mua nhà, không đủ điều kiện để vay vốn tín dụng chính sách xã hội, chủ đầu tư khi bán cho người mua nhà chưa giải chấp nên không thực hiện được việc đăng ký giao dịch bảo đảm… Vì vậy, đến thời điểm kết thúc giải ngân Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (đến hết năm 2023), thì doanh số giải ngân của Chương trình mới đạt trên 10.200 tỷ đồng (bằng khoảng 68% số vốn được bố trí)", ông Nguyễn Xuân Bắc nói.
Hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại NHCSXH theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy, các đối tượng này sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại NHCSXH với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).
Ngoài ra, khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm...
Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, sẽ phối hợp Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế triển khai.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hài hòa, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay theo Chương trình theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 33/NQ-CP; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình, mở rộng công tác truyền thông, giới thiệu, tư vấn các nội dung Chương trình tới khách hàng đủ điều kiện để khách hàng có đủ thông tin và chủ động tiếp cận, vay vốn khi có nhu cầu.