Tin tức

Đề xuất 8 chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

H.Q 09/01/2024 14:45

Chưa báo cáo Quốc hội xem xét cơ chế thí điểm xử lý kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện các kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp tháng 1/2024 và đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là một số nội dung đáng chú ý tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 8/1/2024.

thu-truong-bo-khdt.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Chưa báo cáo xem xét cơ chế thí điểm xử lý kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện các kết luận kiểm toán

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Tại Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó, đã giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 đạt thấp là do cơ chế giao chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các địa phương chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi nhưng không có cơ chế cho các địa phương được thực hiện điều chỉnh, dự toán kế hoạch (đặc biệt là điều chỉnh vốn được kéo dài). Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này của các địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về thực hiện yêu cầu của Quốc hội đối với xây dựng cơ chế thí điểm xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết chưa có đầy đủ cơ sở để tổng hợp, đề xuất cơ chế đặc thù, thí điểm xử lý các vấn đề liên quan đến thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ngay tại Hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 1/2024 do các địa phương chưa gửi đề xuất, kiến nghị về việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

"Qua rà soát, nội dung kết luận xử lý tài chính đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia của Kiểm toán Nhà nước tập trung vào xử lý các khoản chi đã chi sai đối tượng, hoặc chi sai nội dung của từng chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; các khoản chi không rõ nhiệm vụ, hoặc không gắn với nhiệm vụ; các khoản chi chưa thực hiện, bị hủy dự toán, cần nộp trả ngân sách trung ương theo quy định; các khoản chi nộp thuế giá trị gia tăng đã được giảm theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; các khoản chi của ngân sách địa phương. Do vậy, Chính phủ chưa có cơ sở để đề xuất cơ chế đặc thù, khác quy định của pháp luật hiện hành để xử lý các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói thêm.

Vì vậy, để có đầy đủ cơ sở xây dựng, đề xuất giải pháp khả thi, đảm bảo kỷ luật kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng Chính phủ kiến nghị chưa báo cáo Quốc hội xem xét cơ chế thí điểm xử lý kiến nghị của các địa phương liên quan đến thực hiện các kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại Kỳ họp tháng 1/2024. Sau khi tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về 3 chương trình mục tiêu quốc gia và đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách xử lý các vấn đề vướng mắc trong thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (nếu có) tại Kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Đề xuất 8 chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Tại phiên họp, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết nghị thông qua Nghị quyết của Quốc hội về 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ nhất, cơ chế phân bố, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như cơ chế đã được Quốc hội quyết nghị đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tại Nghị quyết số 25/2021/QH15).

Cụ thể: Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình;

Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Thứ hai, cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của Chương trình mục tiêu quốc gia. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong đó, đề xuất cho phép: Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách ngân sách trung ương hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao;

UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.

Thứ ba, cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính (trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ) trong lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đề xuất quy định: Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao UBND cùng cấp quyết định (hoặc quyết định điều chỉnh) trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất;

Trong trường hợp giao UBND cấp tỉnh quyết định (hoặc quyết định điều chỉnh), UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng Nhân dân cùng cấp kết quả ban hành quy định (hoặc kết quả điều chỉnh quy định) về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất tại kỳ họp gần nhất.

Thứ tư, về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.

Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hóa).

Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa và bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu.

Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công để thí điểm áp dụng cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ cả nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn tự có của chủ dự án (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân).

Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công để thí điểm áp dụng cơ chế cho phép địa phương sử dụng vốn tự cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.

Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình. Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Trong đó, đề xuất cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.

Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất 8 chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO