Vấn đề - Nhận định

Ngân hàng hỗ trợ người dân tái thiết nơi tâm bão: Cần một số cơ chế, chính sách đặc thù

Quỳnh Trang 07/10/2024 - 15:23

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, toàn ngành Ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn và phục hồi trở lại, đặc biệt là ở các địa phương nơi tâm bão đi qua. Tuy nhiên, theo các ngân hàng ở các tỉnh tâm bão TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh thì Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành những chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh hơn.

Tính đến ngày 28/9, các cơ quan chức năng ước tính thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đã vượt quá 81,50 nghìn tỷ đồng, dẫn đến giảm 0,15% tổng tăng trưởng GDP cho năm 2024. Trong đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,33%, ngành công nghiệp và xây dựng giảm 0,05%, và dịch vụ giảm 0,22%. Theo thống kê từ FiinGroup, TP. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, với lần lượt là 12,20 nghìn tỷ đồng và 24,80 nghìn tỷ đồng.

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9 đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

1.jpg
Cơn bão đi qua gây thiệt hại nặng nề cho gia đình một hộ dân tại Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Giáp

Ngay sau đó, Thống đốc NHNN cũng nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc NHNN chi nhánh thành phố Hải Phòng cho biết, ngay sau ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào thành phố Hải Phòng, ngành Ngân hàng Hải Phòng đã nhanh chóng tiến hành khắc phục hậu quả cũng như rà soát, nắm tình hình về khách hàng bị thiệt hại sau cơn bão số 3. Đến thời điểm ngày 24/9/2024, theo báo cáo của các đơn vị trên địa bàn, có tổng số 13.605 khách hàng với tổng dư nợ là 27.783 tỷ đồng, bằng 11,5% tổng dư nợ. Các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào các ngành nghề đó là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thương mại và dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

2.jpg
Đoàn công tác của NHNN chi nhánh Hải Phòng làm việc với Agribank Đông Hải Phòng về tình hình thiệt hại của khách hàng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng sau cơn bão số 3

Trước tình hình đó, các TCTD đã nhanh chóng thực hiện công tác hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, cơ cấu lại thời hạn trả nợ dự kiến 146 khách hàng, tổng dư nợ là 113 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay dự kiến 294 khách hàng, tổng dư nợ là 2.841 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện cho vay mới dự kiến 7.184 khách hàng, doanh số cho vay dự kiến là 823 tỷ đồng. Theo bà Dung, chủ yếu cho vay mới là những khoản cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, dự kiến cho vay với người dân có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đối tượng vay vốn thuộc diện hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Là ngân hàng có dư nợ lớn trên địa bàn Hải Phòng và cũng là ngân hàng có nhiều khách hàng bị ảnh hưởng của bão, bà Hồ Thị Hồng Thắm – Giám đốc Agribank Đông Hải Phòng cho biết, chắc sẽ không thể nào quên cảm giác khi xuống tận nơi nhìn lợn, gà của người dân chết thành đống, chuồng trại tan hoang. Kể từ khi bão tan đến nay, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã xuống nhà của khách hàng để cùng dọn dẹp, thống kê thiệt hại. Bà Thắm cho biết, chi nhánh có 1.050 khách hàng ảnh hưởng với thiệt hại 1.430 tỷ đồng. “Chúng tôi đã giảm lãi suất cho khách hàng và xác định quý 4 không có lợi nhuận trong kinh doanh, toàn bộ lợi nhuận dành để giảm lãi suất tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi chấp nhận khả năng không đạt chỉ tiêu về tài chính để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay và sớm hồi phục trở lại”, bà Thắm chia sẻ.

3.jpg
Các TCTD trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã nhanh chóng nắm bắt thiệt hại của khách hàng và có biện pháp hỗ trợ kịp thời

Còn tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua thống kê, báo cáo của các TCTD trên địa bàn, đến hết ngày 02/10/2024 đã có 17.553 khách hàng, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng là 46.425 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại 10.456 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh Quảng Ninh về triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 3, NHNN chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD chủ động rà soát, nắm bắt, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn tại đơn vị, đồng thời thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Kết quả, đến ngày 02/10/2024, các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 575 khách hàng với dư nợ 774,9 tỷ đồng. Giảm lãi suất cho vay đối với 2.367 khách hàng, với tổng dư nợ được giảm lãi suất là 9.634,7 tỷ đồng (mức giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng và mức độ thiệt hại). Đồng thời, thực hiện cho vay mới đối với 545 khách hàng, với tổng số tiền cho vay là 565,7 tỷ đồng.

4.jpg
Các TCTD trên địa bàn Quảng Ninh cũng nhanh chóng có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng

Hiện nay, các TCTD trên địa bàn đang tích cực phối hợp cùng khách hàng, UBND các địa phương xác định mức độ thiệt hại và hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Ninh, phụ trách khách hàng doanh nghiệp cho biết, ngay sau khi cơn bão đi qua, dưới sự chỉ đạo của NHNN, ngân hàng nhanh chóng rà soát, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng. Qua đó giúp khách hàng sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Hiện ngân hàng hỗ trợ được 112 khách hàng với dư nợ 2.200 tỷ đồng với lãi suất hỗ trợ là 4,2 tỷ đồng. Trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát để hỗ trợ khách hàng nhiều hơn nữa. Đồng thời, mạnh dạn cho vay mới để khách hàng có dòng tiền tái thiết sau bão.

5.jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN tỉnh Quảng Ninh cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành một số cơ chế, chính sách về tiền tệ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do cơn bão số 3

Cũng có 136 khách hàng bị thiệt hại sau bão, bà Vũ Vân Anh, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh cũng thông tin, tính đến 30/9/2024, Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay đối với hơn 600 khoản vay của khách hàng, tương đương với tổng dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Theo đó, các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh bị thiệt hại bởi bão số 3 được Vietcombank hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND đáp ứng tiêu chí về địa bàn và ngành nghề bị ảnh hưởng nặng của bão lũ, với thời gian áp dụng từ ngày 06/09/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Để việc hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn hiệu quả, ông Hiển cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ban hành một số cơ chế, chính sách về tiền tệ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do cơn bão số 3. Trong đó, cho phép mở rộng các khách hàng vay vốn tại các TCTD để đầu tư, sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ… bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 được hưởng chính sách khoanh nợ như đối với lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn đang được quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; thời gian khoanh nợ khoảng 2 năm.

6.jpg
Các ngân hàng đang tích cực đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Ban hành cơ chế, chính sách riêng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng đang vay vốn tại các TCTD bị thiệt hại bởi cơn bão số 3. Chỉ đạo các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay với đối với dư nợ hiện hữu và dư nợ mới cho các khách hàng bị ảnh hưởng, mức giảm từ 0,5-1%/năm. Đồng thời, ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các TCTD mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay.

Cũng nêu ý kiến, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN tỉnh Hải Phòng đề nghị NHNN Việt Nam sớm ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro liên quan đến khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng hỗ trợ người dân tái thiết nơi tâm bão: Cần một số cơ chế, chính sách đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO