Bất động sản

Đề xuất hướng giải quyết 8.800 hồ sơ nhà đất bị tắc: Nhận hồ sơ thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật tại thời điểm đó

Vân Phong 11/09/2024 - 10:00

Thông tin được đưa ra sau cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan, Sở Tài nguyên Môi trường và Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí (HoREA) về dự thảo bảng giá đất mới diễn ra ngày hôm qua.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và trách nhiệm để cùng chung tay tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 trên cơ sở thực tiễn công tác xây dựng, điều chỉnh và áp dụng bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM từ năm 2014 cho đến nay.

Các đại biểu hoan nghênh Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời có kết luận về việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thành phố từ nay đến ngày 31/12/2025 là rất cần thiết, cấp bách.

9-5-11_66d93545ebd1f.png
Ảnh minh họa

Đồng thời cho rằng việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất của Luật Đất đai 2024, Nghị định số 71/2024/NĐ-CP để xây dựng các mức giá đất theo khu vực, vị trí cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương, trên cơ sở đánh giá tác động đối với đối tượng chịu tác động và tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý, nhất là các đối tượng chịu tác động để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đại diện cho lợi ích công cộng và việc ban hành không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.

Do vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024, TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm xây dựng bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng trên địa bàn thành phố.

Thành phố cần khẩn trương xây dựng và ban hành bảng giá đất điều chỉnh để áp dụng cho 11 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổng hợp các ý kiến của cuộc họp, tiếp thu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.

Đề cập đến việc 8.808 hồ sơ thuế tồn đọng phát sinh từ ngày 1/8/2024 cho đến nay, ông Châu cho biết, các đại biểu thống nhất, cơ quan Thuế thực hiện đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật là hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để xem xét, giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8/2024. Đây là văn bản kiến nghị lần thứ hai của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh trong vòng một tháng qua về vấn đề này.

Tại văn bản trên, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1/8-27/8, cơ quan này tồn đọng hơn 8.800 hồ sơ đang chờ xử lý liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Trong đó có 364 hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, 5.448 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ không phát sinh đến nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ...).

Lượng hồ sơ tồn đọng, bị treo này chưa được giải quyết do cơ quan thuế vẫn chờ hướng dẫn cách tính mới, khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định 103 có hiệu lực từ ngày 1/8.

Do đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...) để cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8/2024.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hướng giải quyết 8.800 hồ sơ nhà đất bị tắc: Nhận hồ sơ thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật tại thời điểm đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO