Đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020 và chậm nộp một số loại bảo hiểm bắt buộc cho doanh nghiệp

Thanh Thanh| 28/04/2020 07:19
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV)- Thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính), với tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) phải nghỉ việc” mới được gia hạn chậm nộp phí công đoàn và BHXH thì hầu như không có DN nào đạt được mặc dù thực tế doanh nghiệp( (DN) đang rất khó khăn. Ban IV đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020 và chậm nộp BHXH cũng như các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến ngày 31/12/2020.

Ngày 27/4/2020, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, ông Trương Gia Bình đã ký công văn số 11/Ban IV gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất bổ sung nội dung trong dự thảo Nghị quyết “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19” mà Bộ KH&ĐT đang chuẩn bị trình Chính phủ.

Đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020

Tại văn bản này, dẫn công văn số 245/TLĐ ngày 25/3/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) trong đó cho phép các DN lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các DN có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc (theo quy định hiện hành, mức phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động và đóng hàng tháng), Ban IV cho biết, qua khảo sát DN diện rộng và qua trao đổi trực tiếp cùng các hiệp hội DN thì DN hầu như không thực hiện được chính sách này vì 2 lý do cơ bản:

 Thứ nhất, mặc dù các DN hết sức khó khăn bởi chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy trong dịch, nhiều ngành doanh thu gần như bằng không trong suốt thời gian dài nhưng vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống cho người lao động cũng như giảm gánh nặng và chi phí tuyển dụng lại cho chính DN. Bởi thế, DN hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc” dù thực tiễn hết sức khó khăn.

Thứ hai, việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp và đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các DN sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch, hàng không... chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.

Mặt khác, DN cho rằng, nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng BHXH thì tương đương với tình trạng DN đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên. Cho nên, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan TLĐLĐVN dự định.

Ban IV và các Hiệp hội kiến nghị Bộ KH&ĐT trao đổi cùng TLĐLĐVN để trình Chính phủ (và trình Quốc hội nếu thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội) phương án: cho phép DN miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020.

“Chính sách này sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho DN cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng DN và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” như công văn 245/TLĐ đã nêu…”- Văn bản của Ban IV nhấn mạnh

Đề xuất chậm nộp BHXH và các loại bảo hiểm bắt buộc khác đến ngày 31/12/2020

Dẫn công văn số 860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 của BHXH Việt Nam, trong đó cho phép DN được tạm dừng đóng vào quỹ tử tuất, quỹ hưu trí trong 12 tháng nếu DN có “số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra, tương tự 2 lý do đã nêu trên với chính sách kinh phí công đoàn, Ban IV cho rằng đây cũng là chính sách các DN không thực hiện được.

Đặc biệt đối với việc chứng minh thiệt hại tài sản, bởi rất khó có tiêu chí, thước đo cụ thể để DN làm hồ sơ, cũng như thời gian cần để xác minh thì đặc biệt lâu vì nhiều thiệt hại không diễn biến hết ở những tháng trong dịch mà sẽ xảy ra ở những tháng kế tiếp (hàng tồn kho, các hợp đồng bị hoãn, hủy vô thời hạn, các đổ vỡ do chuỗi sản xuất dần đứt gãy...).

Bên cạnh đó, khoản tiền đóng BHXH và các loại BH bắt buộc khác đang chiếm tỉ trọng chi không hề nhỏ trong quỹ tiền của DN.

Để hỗ trợ DN duy trì được dòng tiền, tập trung chi phục hồi sản xuất kinh doanh, chi ổn định đời sống người lao động, các Hiệp hội và DN đặc biệt đề xuất và mong sự chia sẻ từ phía nhà nước với chính sách cho chậm nộp BHXH và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác đến hết ngày 31/12/2020.

“Đây sẽ là một trong các chính sách tối quan trọng mang lại nguồn lực cho DN trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay…”- công văn của Ban IV nhấn mạnh.

Các Hiệp hội DN đồng nhất trí quan điểm và tham gia ý kiến tại công văn của Ban IV gồm: Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; Hiệp hội Bông sợi Việt Nam; Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA); Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam; Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Hội đồng tư vấn du lịch (TAB); Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn năm 2020 và chậm nộp một số loại bảo hiểm bắt buộc cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO