Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP theo hướng đề xuất tăng mức tiền phạt kịch khung 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, một số chủ đầu tư vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm như không công khai đầy đủ thông tin khi giao dịch bất động sản (BĐS); đưa BĐS vào kinh doanh nhưng không đảm bảo các điều kiện theo quy định; thu tiền đặt cọc của khách hàng mua nhà chiếm tỷ lệ lớn so với giá trị của hợp đồng mua bán... gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân.
Do đó, Bộ Xây dựng đã tập trung, lưu ý khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP (Nghị định 16) theo hướng tăng mức tiền phạt kịch khung 1 tỷ đồng đối với một số hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, có đề xuất hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo tính răn đe, hạn chế hậu quả của hành vi vi phạm hành chính gây ra.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất phạt tiền cao nhất từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, áp dụng đối với 4 hành vi vi phạm liên quan đến việc chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án BĐS đưa vào kinh doanh...
Hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về dự án BĐS, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định đã được quy định xử phạt tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 100 triệu đến 120 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư che giấu thông tin dự án đã bị đem đi thế chấp ngân hàng nhưng vẫn ký hợp đồng với người dân mà không công khai cho người dân biết dự án đã bị thế chấp.
Việc chủ đầu tư che giấu thông tin trên dẫn đến người mua nhà do chưa đủ thông tin nên vẫn ký hợp đồng mua bán, đến khi bị ngân hàng phát mại tài sản mới biết căn nhà mà mình mua đã bị chủ đầu tư thế chấp trước đó. Do đó, tại dự thảo lần này, Bộ Xây dựng kiến nghị trình Chính phủ điều chỉnh tăng mức phạt tiền từ 120 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng.
Đối với mức phạt này, có ý kiến cho rằng, dù đã tăng tiền phạt nhưng nếu so với lợi ích mà chủ đầu tư thu được thì mức phạt này vẫn còn thấp. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư cố tình làm trái pháp luật, chấp nhận nộp phạt, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của khách hàng.
Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, đây là mức phạt tối đa (kịch khung) trong lĩnh vực kinh doanh BĐS do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định.
Theo Điều 24 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 1 tỷ đồng (kịch khung) áp dụng đối với tổ chức. Trên cơ sở quy định trên, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tối đa là 1 tỷ đồng".
Ngoài ra, dự thảo nghị định còn quy định yêu cầu Chủ đầu tư công khai đúng, đầy đủ thông tin của dự án và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh BĐS.
Ngoài hành vi chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp, hành vi kinh doanh bất động sản không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định cũng được Bộ Xây dựng đề xuất tăng mức phạt tiền từ 600 triệu đồng lên tối đa là 1 tỷ đồng.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, theo dự thảo Nghị định, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh BĐS có thời hạn và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, tương xứng với hành vi vi phạm.
Có thể kể đến là việc buộc công khai thông tin theo quy định, buộc lập lại hợp đồng gắn với quyền sử dụng đất, buộc trả lại bên cho bên mua các loại phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh BĐS. Hay buộc hoàn trả phần tiền đặt cọc vượt quy định, buộc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định....
Đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ BĐS, dự thảo còn bổ sung nhiều hành vi vi phạm. Dự thảo Nghị định đưa ra mức xử phạt cụ thể cho hàng loạt hành vi từ việc sàn giao dịch BĐS ký hợp đồng với cá nhân môi giới BĐS không đủ điều kiện hoạt động theo quy định; sàn giao dịch BĐS hoạt động không có giấy phép hoạt động… đến việc sàn giao dịch BĐS không niêm yết, không cung cấp thông tin hoặc niêm yết, cung cấp thông tin không đúng, không đầy đủ thông tin BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định; sàn giao dịch BĐS không xác nhận hoặc xác nhận không đúng đối với các giao dịch BĐS thông qua hình thức trực tiếp hoặc thông qua hình thức thư điện tử theo quy định... nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên trong đó có người mua nhà.
Nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở mới được sửa đổi, bổ sung hoặc điều chỉnh trong dự thảo nghị định lần này sẽ xử lý nghiêm minh, chặt chẽ và có tính răn đe, góp phần vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội.