Đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Bùi Trang| 07/08/2021 07:46
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến cho dự thảo chính sách xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

 

Theo báo cáo của các TCTD gửi tới NHNN, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 tính đến ngày 31/12/2020 là 440,4 nghìn tỷ đồng, giảm 4,29% so với cuối năm 2019. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2020 đã xử lý được 331,87 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42.

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro cũng như thông qua các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 129,82 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,11% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam là mô hình phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư; trong đó chủ yếu dựa vào tín dụng từ khu vực ngân hàng.

Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu (đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp) chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Qua 5 năm triển khai, Nghị quyết số 42 mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý, việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ, tâm lý ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành tại một số cơ quan hữu quan. Ngoài ra, Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được; đồng thời, TCTD thiếu cơ chế tự xử lý nợ xấu, vấn đề này có thể gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Tiếp tục kéo dài cơ chế xử lý nợ xấu theo hướng Nghị quyết 42 là rất cần thiết. Việc không ban hành Luật sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ, hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD, thiếu hụt cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ TCTD/VAMC xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ tài chính cho việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng cũng sẽ kéo dài tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, NHNN nhấn mạnh.

Do đó, NHNN kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD theo hướng tiếp tục kế thừa các quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42 còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị quyết số 42 mà thực tiễn triển khai trong thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc như sửa đổi quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo hướng TCTD có quyền thu giữ TSBĐ cho khoản nợ xấu mà không cần phải có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm đồng ý cho TCTD có quyền thu giữ TSBĐ trong hợp đồng bảo đảm...

Để công tác xử lý nợ xấu được triển khai có hiệu quả trên thực tế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nói riêng, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét đến khía cạnh xử lý nợ xấu khi quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp về việc triển khai thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, cơ quan thi hành án sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các TSBĐ là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết số 42...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO