Văn hóa

Đền Hùng - một miền nước non thiêng

Đỗ Thị Thu 29/04/2023 06:08

Sau ba năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2023, lễ hội Đền Hùng được tổ chức trở lại với nhiều điểm mới, thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo của vùng đất Tổ. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ được tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 20 - 29/4/2023 (tức từ mùng 1 - 10/3 năm Quý Mão) tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị trong tỉnh.

den-hung.jpg
Ảnh: Internet

Đây là dịp để cho con Lạc cháu Hồng trên khắp cả nước và đồng bào ở nước ngoài được hành hương về đất Tổ, cùng chiêm ngưỡng non nước Vua Hùng và thành kính dâng lên Quốc Tổ lòng tri ân nguồn cội dân tộc. Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để mỗi người Việt Nam bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào và tinh thần đoàn kết đã được nuôi dưỡng suốt bốn nghìn năm của dân tộc.

Đền thờ các Vua Hùng cùng các tôn thất, được gọi chung là Đền Hùng, là một quần thể kiến trúc, một khu di tích lịch sử ở làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì gần 20 km phía đường đi Lào Cai.

Đền Hùng nằm gọn trên một quả núi có tên gọi là núi Hùng (hay còn các tên gọi là núi Nghĩa Lĩnh, núi Hy Sơn, Nghĩa Cương, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn) có độ cao 175 mét so với mực nước biển. Tục truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo,…. Núi Vặn cao 170m, xấp xỉ núi Hùng. Núi Trọc nằm giữa núi Hùng và núi Vặn, cao 145m. Theo truyền thuyết, đây là ba đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.

Đi từ chân núi lên, du khách thường dừng chân trước Đại Môn (cổng lớn). Cổng đền được xây từ năm Khải Định thứ 2 (1917). Cổng xây kiểu vòm cuốn cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn lớn, đầu cột trụ cổng tầng trên có cửa vòm nhỏ hơn, 4 góc tầng mái trang trí Rồng, đắp nổi hai con Nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Giữa tầng một có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Cũng có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là hiện thân vật canh giữ thần.

Khu di tích Đền Hùng trải từ cổng đền đến Đền Thượng có 525 bậc với ba khu vực: Đền Hạ và chùa, Đền Trung, Đền Thượng và Lăng Tổ.

Từ cổng đền, đi qua hơn 200 bậc thì tới Đền Hạ. Đền Hạ có từ khoảng thế kỷ XVII, được xây hai lớp theo kiểu chữ nhị. Tương truyền, nơi đây, sau khi kết hôn, Lạc Long Quân đã đưa Âu Cơ từ động Lăng Sương (huyện Thanh Thuỷ) về đến núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ đã sinh một trăm người con để từ đó, sinh sôi ra các dân tộc Việt Nam. Khi các con khôn lớn, 50 người theo cha về vùng biển, 49 người theo mẹ lên ngược vùng núi, người con cả ở lại lên ngôi vua. Sau truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.

Trong khu vực Đền Hạ còn có chùa Thiên Quang Thiền tự (nơi có ánh sáng mặt trời rọi xuống) được xây dựng vào thời kỳ nhà Hậu Lê, kiến trúc chủ yếu là cột gỗ có đá kê và lợp ngói. Chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm các nhà: tiền đường (5 gian), thiêu hương (2 gian), tam bảo (3 gian) ở phía trước, dãy hành lang, nhà Tổ ở phía sau. Các toà được làm theo kiểu cột trụ, quá giang gối đầu vào cột xây, kèo suốt. Mái chùa được lập ngói mũi, đầu đao cong. Bờ nóc tiền đường đắp lưỡng long chầu nguyệt. Chùa thờ Phật theo phái Đại thừa. Trước cửa chùa, có cây thiên tuế cành ngọn xum xuê, độ tuổi khoảng 700 năm.

Đi tiếp là đến Đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu). Đền Trung xây dựng từ thời nhà Trần. Vào thời Lê, Đền Trung bị giặc phương Bắc tàn phá. Sau chiến tranh, nhân dân địa phương đã xây một ngôi đền khá lớn. Cách đây khoảng 300 năm, Đền Trung được xây dựng lại theo kiểu chữ nhất, tồn tại đến ngày nay. Tương truyền nơi đây, các vua Hùng cùng các quần thần thân tín thường họp bàn việc nước. Vào thời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống, Vua Hùng muốn chọn con kế vị, cho gọi 18 người con về núi Nghĩa Lĩnh mở cuộc thi làm cỗ để chọn người con nào có đủ tài và đức, có lòng hiếu thảo với cha mẹ, yêu đất nước để truyền ngôi cho. Lang Liêu là người con út thương dân, yêu lao động, hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng và bánh dày, tượng trưng cho trời và đất dâng các Tiên vương và vua cha tại Đền Trung. Vua cha nhường ngôi cho Lang Liêu là Hùng Vương thứ 7.

Trên Đền Trung là Đền Thượng, nơi các Vua Hùng lập đàn tế Trời Đất vào mỗi tết đầu năm và thờ Thần Lúa, một "hạt thóc thần" bằng đá. Đời Hùng Vương thứ 6 còn thờ Thánh Gióng, người anh hùng trong truyền thuyết, có công lớn đánh giặc Ân xâm lược. Đây cũng là nơi Thục Phán dựng cột đá thề rằng: "Sẽ đời đời trông nom miếu vũ và giữ gìn cơ nghiệp của các Vua Hùng truyền lại". Đền Thượng còn có tên Kinh Thiên Lĩnh Điện (đền thờ trời) được xây dựng từ thế kỷ XV. Từ năm 1914 đến 1922, vua Khải Định đã xuất tiền và cử quan về giám sát việc đại trùng tu Đền Thượng.

Cạnh Đền Thượng là ngôi mộ Tổ Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, một kiến trúc giản dị và xinh xắn, đặt theo hướng chếch đông tây (hướng mặt trời mọc và lặn). Có truyền thuyết nói rằng, mộ Tổ của Vua Hùng thứ nhất chôn tại đây. Cũng có truyền thuyết khác cho rằng, đó là mộ của Vua Hùng thứ 6 (Hùng Hoa Vương, huý là Pháp Hải). Mộ Tổ xưa là mộ đất có mái che. Đến năm 1874, mộ được xây dựng như kiểu dáng ngày nay.

Từ mộ Tổ, rẽ về phía Đông Nam, qua nhiều bậc đá, sẽ tới Đền Giếng, nơi thờ hai công chúa con Vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời. Đền Giếng gồm ba lớp nhà và hai nhà hai bên, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18. Tại nơi này, vào lúc 10 giờ ngày 19/9/1954, Bác Hồ đã nghe đồng chí Song Hào báo cáo tình hình hoạt động chung của Đại đoàn Quân Tiên Phong. Khi nói chuyện với bộ đội, câu nói của Bác đã đi vào lịch sử: "Các vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Đó là sự tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển trong lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc. Tại đền này có một giếng nước rất trong, tương truyền đó là Giếng Ngọc, hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi bóng xuống giếng nước để trang điểm.

Theo truyền thuyết, Tiên Dung xinh đẹp, có nhiều người đến cầu hôn. Nàng không muốn lấy chồng để được thường xuyên đi du ngoạn. Một lần, Tiên Dung bơi thuyền dọc sông Hồng đến vùng Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên ngày nay), Tiên Dung nghỉ, tắm trên bãi cát, không ngờ gặp Chử Đồng Tử, chàng trai con nhà dân chài nghèo. Hai người nên duyên, biểu tượng cho một tình yêu đẹp, trong sáng, vượt qua mọi cách ngăn về địa vị xã hội. Nàng theo chồng về Dạ Trạch khẩn hoang, dạy dân trồng lúa. Còn Ngọc Hoa (tức Mỵ Nương) cũng xinh đẹp, vua cha cho dựng lầu kén rể. Hai chàng trai tài giỏi Sơn Tinh và Thuỷ Tinh cùng đến cầu hôn, thi tài. Sơn Tinh thắng cuộc, lấy được nàng Ngọc Hoa. Hai vợ chồng về vùng núi Tản, quê của Sơn Tinh, cùng dân làng trị thuỷ, trồng lúa nước.

Ngoài các ngôi đền nói trên, còn có các công trình phụ mới xây dựng sau này như Đền Tổ mẫu Âu Cơ (xây năm 2001), Bảo tàng Hùng Vương (2003), nhà công quán…

Khu vực núi Hùng có 200 loài cây mang vẻ đẹp của rừng nguyên sinh. Vào mùa đông và tết đến, hoa đỏ rực trong rừng xanh. Ở đây, có cây chò cao hàng trăm mét. Cũng từ đất Tổ, những cây chò con đã được đưa về trồng ở trước Lăng Bác Hồ.

Đền Hùng thật đẹp vì thiên nhiên, núi đồi lại được tô điểm thêm những hồ nước xanh mát với những con đường đất đỏ uốn lượn dưới chân đồi cùng với các ruộng bậc thang. Từ Đền Thượng, trên đỉnh núi Nghĩa Linh, nhìn về xa xa là những cánh đồng bát ngát, những dòng sông vấn vít về xuôi. Người xưa từng có câu đối đầy ý nghĩa:

“Mở lối, đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối

Lên cao, nhìn rộng, ngàn trùng đồi núi tựa đàn con".

Hàng năm, vào ngày mồng Mười tháng Ba âm lịch, nhân dân cả nước và những con dân đất Việt ở xa Tổ quốc hướng về đất Tổ Hùng Vương, nơi cội nguồn dân tộc, "Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Từ năm 2001, ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc giỗ của nước ta và từ năm 2007 trở đi, vào ngày quốc lễ Giỗ Tổ, cả nước được nghỉ một ngày để bày tỏ lòng thành kính lên Tổ tiên của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Hùng - một miền nước non thiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO