Điểm mới chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh: Gắn trách nhiệm sở ngành và Hiệp hội

Nguyễn Đức Lệnh| 27/02/2023 15:06
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày mai (28/2), Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ cùng nhau ký kết một văn bản theo đó sẽ định vị trách nhiệm cụ thể của các bên trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng nhiệm vụ từng đơn vị.

Trong nhiều năm qua, việc phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh (NHNNHCM) với các sở ngành, UBND quận, huyện và hiệp hội doanh nghiệp thành phố để triển khai cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW và của UBND TP nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp là hoạt động không mới, thường xuyên và được thực hiện tốt. Tuy nhiên, khi việc phối hợp này được chính thức bằng chương trình hành động cụ thể giữa ba bên: NHNNHCM, Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố bằng một văn bản chính thức được ký kết theo chỉ đạo của UBND TP sẽ là sự phối hợp mang lại ý nghĩa rất lớn, thiết thực và hiệu quả giúp thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động kết nối ngân hàng, doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; thông tin tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, bởi những lý do sau:

Thứ nhất, định vị trách nhiệm cụ thể của các bên trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo chức năng nhiệm vụ từng đơn vị. Chương trình phối hợp hành động sẽ phân công cụ thể nhiệm vụ của mỗi bên, trên cơ sở đó, Sở Công Thương, NHNNTP và Hiệp hội doanh nghiệp TP chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, khi có yêu cầu phản ánh từ doanh nghiệp hoặc tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp: kết nối ngân hàng, doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; cho vay bình ổn thị trường; cho vay KCX-KCN...

Theo đó, nhiệm vụ giao cho NHNNHCM là tổ chức triển khai cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất trên địa bàn. Với nội hàm về chỉ đạo các TCTD thực hiện chính sách tín dụng, lãi suất, cải cách hành chính, tiết giảm chi phí…. để hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai các gói tín dụng ưu đãi, các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện công tác thông tin truyền thông; kiểm tra giám sát đảm bảo chính sách thực thi đúng và phát huy hiệu quả.

Thứ hai, việc định vị trách nhiệm, phân công công việc cụ thể của các sở ngành và hiệp hội doanh nghiệp, sẽ tạo điều kiện xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp nhanh chóng hơn, kịp thời hơn. Trong đó xử lý được những tồn tại, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp mang tính chất hành chính và thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có “địa chỉ” rõ ràng để phản ánh, đề nghị tháo gỡ. UBND TP có “đầu mối” cụ thể để phân công, chỉ đạo và giám sát thực hiện. Hiệu quả mang lại sẽ rất lớn đối với công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng như cải cách hành chính.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản lý, nhờ nắm bắt thông tin doanh nghiệp kịp thời và chính xác. Việc kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp; về khó khăn của doanh nghiệp (thông qua Hiệp hội doanh nghiệp), cũng như những thông tin về cơ chế chính sách của UBND TP, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; các hoạt động của UBND TP, quận, huyện… đối với doanh nghiệp (được hiệp hội doanh nghiệp và Sở Công Thương thông tin, chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện), sẽ là những nguồn thông tin đầu vào phục vụ tốt cho công tác quản lý, tham mưu nhằm xây dựng, sửa đổi bổ sung hoặc đưa ra các giải pháp xử lý hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn hết, đây còn thể hiện được sức mạnh của sự phối hợp, sự đồng thuận và đoàn kết trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Trên thực tế sự phối hợp này sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội thành phố theo đúng mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Thứ tư, đưa cơ chế chính sách đi vào cuộc sống có hiệu quả và tạo động lực tăng trưởng. Chương trình phối hợp này, về bản chất là không mới, song thể hiện sự quyết tâm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, sự quyết tâm trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Một hoạt động “hỗ trợ doanh nghiệp” với nhiều nội dung liên quan, nhiều nhiệm vụ liên quan đến các sở ngành, trong đó có hệ thống ngân hàng, được tổ chức phối hợp thực hiện là giải pháp đúng đắn và hữu hiệu, cần thiết.

Hơn thế nữa, việc phân công công việc và định vị trách nhiệm của các đơn vị mang lại ý nghĩa lớn hơn, quyết định đến sự thành công không chỉ của chính sách mà còn thay đổi và khắc phục những tồn tại hạn chế trong triển khai chính sách, đáp ứng yêu cầu của đổi mới và phát triển, yêu cầu của cải cách hành chính để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm mới chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh: Gắn trách nhiệm sở ngành và Hiệp hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO