Điều chỉnh lãi suất tiền gửi là phù hợp để thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả

Nguyễn Đức Lệnh| 23/09/2022 07:55
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành (lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm) và điều chỉnh tăng thêm 1%/năm đối với lãi suất tiền gửi loại kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn đến dưới 1 tháng. Đây là sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, phù hợp với xu hướng chung của tình hình lãi suất trên thị trường thế giới, khi nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiếp tục tăng lãi suất để kìm giữ lạm phát. Trong điều kiện đó, là một nền kinh tế hội nhập, có độ mở tương đối lớn, việc điều chỉnh tăng lãi suất là khách quan và phù hợp.

Thứ hai, trong điều kiện nhiều đồng tiền mạnh của một số nền kinh tế lớn mất giá so với đồng Dolla Mỹ, diễn biến này cũng tác động và gây áp lực lớn với tỷ giá trong nước. Đặt trong mối liên hệ lãi suất - tỷ giá- lạm phát, với yêu cầu về ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, cũng như kìm giữ lạm phát, thì việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn là phù hợp và cần thiết.

Thứ ba, điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và các mức lãi suất đối với loại tiền gửi dưới 6 tháng ngoài việc thực hiện và đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN, còn tác động đến quá trình khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Có thể nó, việc điều chỉnh lãi suất của NHNN là cần thiết, phù hợp và đúng thời điểm, khoa học và tôn trọng các quy luật thị trường nhằm thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 01 của Chính phủ và gần đây nhất là Chỉ thị 15. Đồng thời phải đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và vận dụng linh hoạt các công cụ tài chính tiền tệ, cũng như các giải pháp và chương trình hành động cụ thể; sự sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng, không chỉ từ phía các TCTD mà cả chính các doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí hoạt động, chi phí sản xuất, bảo đảm giữ ổn định giá thành, giá bán và kìm giữ lạm phát.

Trong đó, đối với các TCTD để giữ ổn định lãi suất cho vay, khi lãi suất huy động tăng, giải pháp duy nhất và đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao đó là tiết giảm các loại chi phí (ngoài lãi suất huy động) cấu phần tạo nên lãi suất cho vay, từ đó mới đảm bảo giữ ổn định lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn phải tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ ngân hàng hàng hiện đại, phát triển dịch vụ ngân hàng, tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ; cải cách và nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động… từ đó giữ ổn định lãi suất cho vay bền vững. Cũng như tạo dư địa cho tăng trưởng trong thời gian tới.

Đối với các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, ngoài trách nhiệm sử dụng vốn vay hiệu quả, việc nâng cao năng suất lao động, tiết giảm chi phí quản lý, chi phí hoạt động gắn liền với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong phân phối sản phẩm, có ý nghĩa thiết thực và rất quan trọng góp phần giữ ổn định giá cả nhờ giảm được chi phí và giá thành sản phẩm;

Bên cạnh đó, việc thực hiện hiệu quả  gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ, cũng như các chương trình tín dụng ưu đãi (cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực), sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kép hiện nay: giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh lãi suất tiền gửi là phù hợp để thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO