Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Ngô Hải – Minh Ngọc| 24/08/2022 17:50
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 24/8, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có buổi khảo sát thực tế phục vụ thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng Đoàn công tác.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng Đoàn công tác phát biểu khai mạc buổi làm việc

Tham gia buổi làm việc, về phía Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn có: bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban; ông Lê Hoàng Hải, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban; cùng đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội…

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) – Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật, gồm có: ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc bộ như: Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia; Vụ Pháp chế; Cục An toàn thông tin…

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có: ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, NHNN; ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán; bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế…

Về phía Hiệp hội Ngân hàng có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký; cùng đại diện Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, Câu lạc bộ Fintech, đại diện lãnh đạo một số ban/đơn vị trong Hiệp hội.

Phát biểu định hướng chương trình làm việc của Đoàn công tác, ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, đây là dự án Luật rất rộng, rất khó, với phạm vi điều chỉnh đề cập tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, buổi làm việc nhằm lắng nghe ý kiến phản biện của Hiệp hội Ngân hàng với những nội dung Chính phủ trình từ ngày 19/8, để xem những nội dung nào có đề cập tới trong dự thảo Luật nhưng không mang tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

“Các nội dung tại buổi làm việc sẽ được tập hợp để phục vụ công tác thẩm tra của Ủy ban. Dự kiến Ủy ban sẽ thẩm tra sơ bộ những nội dung này vào ngày 12/9 tới đây”, ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết.

Vẫn còn nhiều vướng mắc, cần tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai Luật giao dịch điện tử và đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, so với dự thảo Luật Giao dịch điện tử 2005, dự thảo Luật Giao dịch điện tử Quốc hội đang lấy ý kiến đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung bất cập, chưa được quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2005 đảm bảo phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển và mở rộng các hoạt động ngân hàng điện tử đa dạng, an toàn và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam báo cáo với đoàn công tác về những vấn đề cần xem xét điều chỉnh tại dự thảo Luật

Qua rà soát, Hiệp hội Ngân hàng thấy còn 9 nhóm vấn đề cần xem xét điều chỉnh để dự thảo Luật ban hành mang tính khả thi, cụ thể như sau: (i) phạm vi điều chỉnh; (ii) về quy định chữ ký điện tử và chứng thực điện tử, còn vướng mắc ở một số vấn đề: định nghĩa chữ ký điện tử, giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng, công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài; (iii) về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, vướng mắc ở: giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử; (iv) về quy định giá trị pháp lý của GDĐT, vướng mắc ở một số vấn đề: thông điệp dữ liệu an toàn, chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy và ngược lại; (v) về định danh và xác thực điện tử; (vi) về dịch vụ tin cậy và dịch vụ hỗ trợ giao dịch điện tử, cần bổ sung loại hình dịch vụ tin cậy (dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, dịch vụ chữ ký số công cộng); cũng như cần quy định thêm về một số dịch vụ khác (như dịch vụ trung gian trong giao dịch điện tử, dịch vụ thông tin xếp hạng tín nhiệm số); (vii) về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; (viii) về tranh chấp và xử lý vi phạm, còn vướng mắc ở: xử lý vi phạm, chứng cứ điện tử khi giải quyết tranh chấp giao dịch điện tử; (ix) đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung khác đối với dự thảo Luật, gồm: định nghĩa về giao dịch điện tử, nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chuyển nhượng chứng thư điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, quy định về con dấu.

Cụ thể, với nhóm vấn đề về quy định chữ ký điện tử và chứng thực điện tử, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh định nghĩa chữ ký điện tử tại dự thảo thành: “Chữ ký điện tử là bất kỳ dữ liệu điện tử nào được gắn hoặc kết hợp với thông điệp dữ liệu nhằm thể hiện sự xác nhận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu”. Đồng thời, bổ sung quy định về cấp độ chữ ký điện tử và giá trị pháp lý theo cấp độ chữ ký điện tử để đảm bảo phù hợp với thực tiễn sử dụng chữ ký điện tử cũng như xác thực giao dịch trên môi trường điện tử.

Hiệp hội Ngân hàng cũng đề xuất bỏ quy định yêu cầu đăng ký chữ ký điện tử dùng riêng được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật. Thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước, nếu vẫn có yêu cầu quản lý, có thể đưa ra các tiêu chuẩn an toàn thật cụ thể để các cơ quan, tổ chức tự áp dụng và có thể thông báo về chữ ký điện tử cho cơ quan nhà nước thay vì phải đăng ký và xin chấp thuận.hoặc giao chính phủ hướng dẫn.

Với nhóm vấn đề liên quan đến giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị sửa đổi khoản 1, Điều 35 dự thảo Luật như sau: “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được xác định trên cơ sở giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (Điều 10) và giá trị pháp lý của chữ ký điện tử (Điều 25)”; hay với quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử tại dự thảo Luật, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm điều khoản nguyên tắc về công chứng, chứng thực, đăng ký hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và cũng là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hoặc các văn bản pháp lý liên quan đến công chứng.

Hay với nhóm vấn đề về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử, Hiệp hội đề nghị quy định loại trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) không phải thực hiện quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 50 dự thảo Luật do việc kết nối hệ thống thông tin của TCTD, CNNHNNg với hệ thống giám sát sẽ gây phát sinh chi phí và tiềm ẩn rủi ro bị lộ thông tin khách hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hệ thống thông tin của các NHTM là hệ thống không thể tự động can thiệp bằng cơ chế như quy định tại Điều 51 dự thảo, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các NHTM, an toàn của toàn bộ hệ thống ngân hàng, ngay cả Luật các TCTD cũng không quy định NHNN được can thiệp vào hệ thống thông tin, nền tảng số của các NHTM. Do đó, Hiệp hội Ngân hàng đề xuất Ban soạn thảo xem xét loại trừ việc áp dụng quy định tại Điều 51 đối với hệ thống thông tin, nền tảng số của các NHTM…

Hay nội dung quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 52 không phù hợp đối với hệ thống thông tin, nền tảng số của các NHTM, nếu áp dụng sẽ có thể tác động làm mất an toàn của toàn bộ hệ thống ngân hàng. “Do vậy đề nghị Ban soạn thảo loại trừ việc áp dụng quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 52 đối với với hệ thống thông tin, nền tảng số của các NHTM”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN đồng tình với nội dung trong báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng đưa ra tại buổi làm việc

Đồng tình với nội dung trong báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng đưa ra tại buổi làm việc, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho biết, thực hiện chương trình công tác của Quốc hội, NHNN đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD góp ý và xây dựng báo cáo tổng kết quá trình thi hành Luật giao dịch điện tử trong ngành Ngân hàng. Một số ý kiến góp ý của NHNN cũng đã được Bộ TT&TT tiếp thu trong quá trình xây dựng các dự thảo Luật.

Ngoài các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng, bà Vũ Ngọc Lan có góp ý thêm một số điểm liên quan đến dự thảo Luật, như: nguyên tắc áp dụng Luật, trách nhiệm quản lý, liên quan đến chữ ký và chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử, tính thống nhất và đồng bộ giữa các luật, nhận dạng và định danh khách hàng…. Trong đó về nguyên tắc áp dụng Luật, bà Vũ Ngọc Lan đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn để trong quá trình áp dụng pháp luật tránh sự chồng lấn giữa Luật chuyên ngành và Luật Giao dịch điện tử, cần có một nguyên tắc áp dụng luật cụ thể để có sự thống nhất.

Về tính thống nhất và đồng bộ giữa các luật, bà Vũ Ngọc Lan đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát Luật Doanh nghiệp, Luật Lưu trữ cũng như các luật liên quan. “Có những điều khoản trong luật khác đã quy định rồi, thì trong dự thảo Luật cần rà soát để đảm bảo thống nhất giữa các luật”, bà Vũ Ngọc Lan đề nghị.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tại Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại buổi làm việc, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, cùng một số ngân hàng là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng (Vietcombank, MB, TPBank) cũng đã nêu bật một số khó khăn vướng mắc hiện nay các ngân hàng đang gặp phải, cũng như kiến nghị/đề xuất một số giải pháp liên quan đến các nội dung như: chữ ký số, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử…. Đại diện các ngân hàng cho rằng, dự thảo đang có sự nhầm lẫn về định nghĩa giữa chữ ký số và chữ ký điện tử. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn quy định về chữ ký điện tử và chữ ký số để tránh nhầm lẫn trong quá trình triển khai khi Luật được áp dụng vào thực tế.

Khoảng 70% góp ý của Hiệp hội Ngân hàng sẽ được xem xét, tiếp thu trong dự thảo Luật

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; cũng như đại diện Bộ TT&TT đã đánh giá cao những kiến nghị và đề xuất của Hiệp hội và các ngân hàng đưa ra tại buổi làm việc.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu

“Những nội dung được Hiệp hội đưa ra rất cần thiết, giúp chúng tôi có thể hoàn thiện đưa vào trong báo cáo thẩm tra sơ bộ trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, trong giao dịch điện tử thì lĩnh vực thương mại điện tử chiếm 60 - 70%, trong đó giao dịch liên quan hoạt động ngân hàng chiếm tỷ lệ rất lớn. Với các vấn đề được Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng đưa ra, đề nghị Bộ TT&TT tiếp thu để có những điều chỉnh phù hợp.

“Qua làm việc với Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi thấy Luật này sẽ tác động rất nhiều đối với lĩnh vực ngân hàng. Chúng ta xây dựng luật và phải làm sao để Luật đó mang lại những tác động tích cực”, bà Nguyễn Thị Kim Anh đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh cũng gợi mở Ban soạn thảo dự thảo Luật, ngành Ngân hàng xem xét có nên thêm nội dung về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Sandbox) vào trong dự thảo Luật theo hướng quy định nguyên tắc chung, để từ đó các ngành, lĩnh vực có căn cứ để xây dựng quy định về hoạt động Sandbox.

Ông Nguyễn Hà Thanh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội phát biểu

Qua các đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng tham dự buổi làm việc, ông Nguyễn Hà Thanh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội cho rằng, một số quy định tại dự thảo Luật có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các TCTD. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét rà soát điều chỉnh phù hợp với thực tế hoạt động của các TCTD.

Ông Nguyễn Phương Tuấn, Trưởng Đoàn công tác đánh giá các ý kiến của Hiệp hội rất xác đáng. “Khoảng 70% các kiến nghị/đề xuất của Hiệp hội sẽ được Đoàn công tác tiếp thu trong quá trình hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật”, ông Nguyễn Phương Tuấn cho biết.

Đồng tình với đánh giá của trưởng Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, con số được trưởng Đoàn công tác đưa ra cũng tương đồng với các ý kiến đề xuất Bộ TT&TT xem xét tiếp thu để chỉnh lý trong dự thảo. “Trong báo cáo 16 trang của Hiệp hội Ngân hàng, tôi lọc ra được 27 ý kiến cụ thể, trong đó có 2 ý kiến không thuộc dự thảo Luật (xử lý vi phạm, chế tài xử lý vi phạm; định danh và xác thực điện tử). Trong 25 ý kiến còn lại, có 17 ý kiến có thể tiếp thu (chiếm 68%), 8 ý kiến còn lại cần thảo luận thêm (chiếm 32%)”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu

Với 8 ý kiến cần thảo luận thêm, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết liên quan đến các vấn đề như: định nghĩa chữ ký điện tử, cấp độ chữ ký điện tử, chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký điện tử nước ngoài… Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng giải thích việc không phân chia cấp độ chữ ký điện tử bởi lẽ, quy định tại dự thảo lần thứ 5 tương đồng với các quy định tại Mỹ và EU.

Đại diện lãnh đạo NHNN phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện tại có tới 94 – 96% các giao dịch ngân hàng được thực hiện trên kênh số. Do đó, Luật giao dịch điện tử ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho ý kiến về dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi)

Phó Thống đốc đề nghị, khi Luật được ban hành phải thúc đẩy được hoạt động chuyển đổi số và làm căn cứ để các bộ, ngành ra các quy định triển khai. “Xây dựng luật làm sao để thúc đẩy, chứ không bó buộc các hoạt động của ngành Ngân hàng”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị và yêu cầu: “dự thảo Luật cần làm rõ mối quan hệ giữa các TCTD và các cơ quan quản lý nhà nước, để tránh tình trạng lạm quyền khi triển khai hoạt động cấp phép hay kiểm tra”.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng cam kết sẽ đồng hành với Bộ TT&TT trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Phương Tuấn khẳng định lại một lần nữa, Luật Giao dịch điện tử ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và ngân hàng rất nhiều. Do đó, các ý kiến từ Hiệp hội Ngân hàng, NHNN, các ngân hàng tại buổi làm việc sẽ được tiếp thu trong quá trình hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật.

“Sau đây, chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo chuyên sâu để lấy thêm ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật. Đề nghị NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đồng hành với chúng tôi và Ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện Luật”, ông Nguyễn Phương Tuấn đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO