(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam vừa tham dự Hội nghị trực tuyến Ủy ban phối hợp nữ nghị sĩ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội |
Tham dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch WAIPA 43 Kittisangahakbindit Khuon Sudary; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân; các nữ nghị sĩ AIPA; Ban Thư ký AIPA cùng các chuyên gia, khách mời.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị từ Nhà Quốc hội có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà và Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm.
Đây là hội nghị đầu tiên Ủy ban phối hợp nữ nghị sĩ AIPA tổ chức, nhằm đánh giá các tác động của đại dịch COVID-19 đối với sinh kế của phụ nữ, xây dựng các đề xuất chính sách nhằm củng cố và tăng cường hơn nữa quá trình thực hiện các cam kết của AIPA về bình đẳng giới, minh bạch và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy quá trình phục hồi bao trùm và bền vững, đồng thời, thúc đẩy Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh ở cấp quốc gia và khu vực.
Thảo luận về vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy quá trình phục hồi bảo đảm đáp ứng giới sau đại dịch COVID-19, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm cho biết, nhiều vấn đề bình đẳng giới đã được chú trọng trong quá trình thực hiện các chức năng của Quốc hội, qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách về bình đẳng giới, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi đáp ứng giới sau đại dịch COVID-19.
Nhằm tăng cường vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy quá trình phục hồi bảo đảm đáp ứng giới sau đại dịch COVID-19, Đoàn Việt Nam kiến nghị, tăng cường vai trò của Nghị viện các quốc gia thành viên trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia và khu vực, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi bền vững bảo đảm đáp ứng giới sau đại dịch COVID-19; tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện thành viên trong thực thi các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội bảo đảm đáp ứng giới trong giai đoạn sau đại dịch và phối hợp tiến hành các nghiên cứu đánh giá về tác động của đại dịch COVID-19, các giải pháp kinh tế - xã hội đáp ứng giới của Nghị viện các quốc gia thành viên.
Đoàn Việt Nam cũng kiến nghị, thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, xây dựng mạng lưới kết nối tạo việc làm thúc đẩy phục hồi, đặc biệt trong thời kỳ hậu COVID-19.
Thảo luận vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy Chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà cho biết, Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong đề xuất và thông qua một trong những nghị quyết quan trọng của WPS, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 1889 được thông qua năm 2009 - nghị quyết đầu tiên đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn sau xung đột.
Nhấn mạnh sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và bảo đảm cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội - những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hoà bình bền vững, bao trùm, Đoàn Việt Nam kiến nghị, cần trao quyền cho phụ nữ dưới nhiều hình thức, như trao các quyền năng về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, chính trị.
Thúc đẩy phụ nữ tham chính, trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, bảo đảm sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ở tất cả các cấp hoạch định chính sách nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đây là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đây cũng là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia.
Lồng ghép giới và chương trình nghị sự WPS vào các chủ trương, chính sách; tăng cường giám sát, tăng cường nguồn lực và có các chế tài phù hợp để bảo đảm việc thực hiện một cách thực chất. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tăng cường sự cam kết của các quốc gia về thực hiện khung pháp luật về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực gia đình và triển khai có hiệu quả ở cấp độ quốc gia và quốc tế.