Đoàn giám sát của Quốc hội làm về công tác quy hoạch làm việc với TP Hà Nội

T.H| 09/03/2022 16:33
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 9/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” làm việc với Thành phố (TP) Hà Nội.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Cùng dự buổi làm việc có: Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách công tác giám sát; các Phó trưởng Đoàn giám sát: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cùng các thành viên Đoàn giám sát tham dự buổi làm việc trực tiếp và trực tuyến.

Về phía chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu.

Về phía cơ quan báo cáo có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội và Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện Kế hoạch của Đoàn giám sát, từ ngày 1-4/3/2022, Đoàn giám sát đã làm việc với 6 Bộ gồm: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổng hợp. Trong điều kiện phải bảo đảm an toàn, phòng chống dịch COVID-19, phiên họp của Đoàn giám sát với TP. Hà Nội để nghe báo cáo một số nội dung liên quan đến nội dung giám sát chuyên đề phải thu gọn quy mô, tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dù có bị ảnh hưởng ít nhiều đến công tác chuẩn bị nhưng vẫn bảo đảm có sự tham gia khá đầy đủ của các thành viên Đoàn giám sát. Đặc biệt có sự tham dự của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, về mặt hồ sơ, tài liệu, Đoàn giám sát đánh giá cao TP. Hà Nội với 2 lần gửi báo cáo khá đúng hạn (bao gồm cả báo cáo bổ sung), nội dung khá đầy đủ đã bám sát Kế hoạch, Đề cương theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Đánh giá cả quá trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, TP. Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá nhiều, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định. Lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo qui định của pháp luật xây dựng. Đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt…

“Với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trái tim của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, Thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch. Đến ngày 07/3/2022 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, như vậy dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng là một trong hai TP trực thuộc trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất…", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đi vào từng lĩnh vực thì công việc còn khá bộn bề, còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập;14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo… Đặc biệt, điều chỉnh tổng thể qui hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành và cũng chậm, hiện đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, mới được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh. “Với tiến độ như vậy, sẽ tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là rất lớn, càng chậm thì càng cản trở sự phát triển không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nền kinh tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, báo cáo của TP đã chỉ ra nhiều vướng mắc, lúng túng cần tháo gỡ, chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị khá cụ thể. Những đánh giá thẳng thắn, nhận diện khách quan, chính xác cả kết quả tích cực đạt được cùng những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân từ những vấn đề liên quan đến việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện mà TP nêu ra sẽ là cơ sở thực tiễn rất sinh động, sát thực để xác định các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung cụ thể.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã trình bày báo cáo tóm tắt về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Cho biết về nguyên nhân chậm tiến độ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội nêu rõ, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế; Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và TP ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu; Từ khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 và số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 về việc bổ sung các quy định tại Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh, TP đã chỉ đạo rà soát, định hướng khắc phục phương án triển khai thực hiện và đôn đốc tiến độ thực hiện.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng cho biết, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn; Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, cùng với các xu hướng mới và quan trọng về bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu, đã làm ảnh hưởng không nhỏ công tác quy hoạch;...

Khó khăn trong rà soát, xác định Danh mục các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực được tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô đã được TP báo cáo đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn; các quy hoạch tích hợp là các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực,... , có số lượng, tính chất, mức độ, cấp độ hoặc tỷ lệ chi tiết các cấp độ khác nhau, do vậy để lựa chọn số lượng, đánh giá, phân loại mức độ chi tiết của các quy hoạch hoặc phải lập bổ sung các quy hoạch mới ở cấp độ mới để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô còn lúng túng.

Chia sẻ với những khó khăn của TP. Hà Nội trong công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, các đại biểu đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội tập trung kiến nghị những nội dung để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng quy hoạch; đề xuất rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để bảo đảm chất lượng các quy hoạch, vừa có tính kế thừa, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi Quy hoạch TP được duyệt;... Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nêu rõ vướng mắc liên quan đến thực hiện đồng thời hai quy hoạch; đề nghị UBND TP. Hà Nội có đề xuất những nội dung cần phải thống nhất ngay trong quá trình lập quy hoạch song song; làm rõ nội hàm về quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng; …

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn giám sát của Quốc hội làm về công tác quy hoạch làm việc với TP Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO