Hoạt động ngân hàng

Đoàn Việt tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 8 Hội đồng Thống đốc AIIB

P.V 29/09/2023 - 07:34

Trong thời gian từ ngày 25-27/9/2023, Đoàn Việt Nam do Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị thường niên (HNTN) lần thứ 8 Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và các hoạt động song phương khác tại Sharm El Sheikh, Ai Cập.

Hội nghị thường niên năm nay với chủ đề “Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đầy thách thức” diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu tác động bởi những khó khăn, thách thức do căng thẳng Nga - Ucraina kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt...đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, AIIB đã nổi lên như một ngân hàng đa phương đáng tin cậy, nhanh chóng thích nghi với các điều kiện mới với những phản ứng chính sách mau lẹ, chung tay cùng cộng đồng quốc tế hỗ trợ các nước thành viên vượt qua khó khăn do đại dịch, góp phần củng cố phát triển bền vững và kết nối.

Với tinh thần đó, tại các Phiên họp trước thềm Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc trong các ngày 21-23/9/2023, Ban Giám đốc AIIB đã dành thời gian thảo luận dự thảo Kế hoạch Kinh doanh và ngân sách của Ngân hàng trong năm 2024 do Ban Lãnh đạo AIIB đưa ra với 5 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: (i) Tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của AIIB đối với tất cả các lĩnh vực cơ sở hạ tầng; (ii) Tăng cường mối quan hệ khách hàng để phát triển hơn nữa các hoạt động kinh doanh mang tính chiến lược; (iii) Tiếp tục chú trọng bảo đảm và cải thiện hơn nữa chất lượng đầu tư; (iv) Tận dụng tăng trưởng làm động lực cho bền vững tài chính; và (v) Tiếp tục hoàn thiện xây dựng đội ngũ nhân sự và nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp.

web.jpeg.jpg
Các Trưởng đoàn tham dự hội nghị thường niên lần thứ 8 Hội đồng Thống đốc AIIB

Ban Giám đốc ủng hộ các nội dung đề xuất, tuy nhiên cũng lưu ý Ban Lãnh đạo AIIB cần thận trọng trong việc mở rộng kế hoạch kinh doanh khi tình hình thế giới còn biến động khó lường, và tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là tài trợ cơ sở hạ tầng ở các nước thành viên thuộc khu vực Châu Á, phù hợp với sứ mệnh khi thành lập của Ngân hàng. Ban Giám đốc cũng tập trung thảo luận về kế hoạch mở rộng quyền hạn của Đơn vị Kiểm toán và Tuân thủ (CEIU) nhằm tăng cường vai trò chủ động và trung tâm của bộ phận này trong quá trình giám sát và đánh giá định kỳ chính sách hoạt động và chiến lược ngành của AIIB. Đại diện NHNN với vai trò là Cố vấn cho Giám đốc của Nhóm nước bao gồm Úc, Việt Nam, New Zealand và Singapore đã tham dự các phiên họp này cũng như tham gia vào quá trình góp ý, thảo luận các báo cáo hoạt động, văn bản chính sách và các tài liệu liên quan tại Phiên họp.

548490-01.jpg
Trưởng Đoàn Việt Nam và Phó Chủ tịch AIIB

Tại Hội nghị chính thức, Hội đồng Thống đốc AIIB đã nghe báo cáo về kết quả hoạt động trong năm vừa qua của Ngân hàng: Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, Tính đến cuối năm 2022, AIIB đã phê duyệt tài trợ cho 202 dự án tại 33 quốc gia với tổng mức đầu tư 38,8 tỷ USD, bao gồm các hình thức đa dạng như tài trợ cho khu vực công, tài trợ cho khu vực tư nhân, tài trợ và góp vốn đầu tư quỹ… Ngân hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng tài sản hợp lý, tổng tài sản đạt 47,4 tỷ USD cuối năm 2022, gấp 163% so với mức 18 tỷ USD từ khi thành lập (2016). Vốn chủ sở hữu của Ngân hàng được đánh giá là dồi dào, đủ để triển khai các hoạt động dự kiến cho 05 năm tới, kể cả trong các kịch bản bất lợi nhất như khủng hoảng kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng. Nhờ tình hình tài sản và tài chính đảm bảo lành mạnh và triển vọng phát triển bền vững, AIIB tiếp tục được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng ở mức cao nhất (AAA) với triển vọng ổn định.

Bên cạnh đó, AIIB liên tục có những đổi mới về mặt chính sách để mở rộng phạm vi hoạt động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng như việc thành lập Trung tâm Hoạt động Tạm thời đầu tiên tại Abu Dhabi gần đây trong khuôn khổ Kế hoạch Tăng cường Hiện diện Toàn cầu, qua đó tăng cường hiệu quả chức năng theo dõi, giám sát triển khai, thực hiện dự án. Vừa qua, AIIB đã phê duyệt phương pháp luận đánh giá các hoạt động đầu tư mới của AIIB phù hợp với khuôn khổ Hiệp định Paris, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu giảm thiểu, thích ứng và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, cũng như củng cố sứ mệnh của AIIB trong việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng xanh và bền vững tại châu Á. Cụ thể hơn nữa, AIIB đã chính thức công bố Chương trình hành động về tài trợ cho biến đổi khí hậu, trong đó nêu rõ tham vọng của Ngân hàng “mang lại vốn, năng lực và quyền lực quyết định để giúp các thành viên của mình trong nỗ lực giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh vào sự phối hợp hài hòa với các tổ chức đa phương khác và các đối tác phát triển đáng tin cậy khác, đoàn kết vì mục tiêu chung về vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Vào tháng 5 vừa qua, AIIB đã phát hành Trái phiếu thích ứng với khí hậu đầu tiên ở châu Á, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu. Cũng tại Hội nghị, Hội đồng Thống đốc đã biểu quyết kết nạp 3 thành viên mới là Cộng hòa El Salvador, Quần Đảo Solomon và Cộng hòa Thống Nhất Tanzania, nâng tổng số thành viên của AIIB lên 109 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Trong bài phát biểu gửi đến Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh định hướng chiến lược hoạt động của AIIB đối với các nước thành viên có sự tương thích và phù hợp với bối cảnh cũng như hỗ trợ chia sẻ những thách thức mà các nước thành viên gặp phải trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, chuyển đổi năng lượng, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đối với các nước thành viên vừa mới trở thành nước thu nhập trung bình, tốt nghiệp nguồn vốn ưu đãi, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư vẫn là rất lớn để tiếp tục thực hiện các lĩnh vực ưu tiên như: tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường thể chế, chống biến đổi khí hậu và quan trọng nhất là tránh rơi vào tình trạng tái nghèo.

Do vậy, trong thời gian tới, AIIB cần xem xét, ưu tiên, áp dụng các chính sách, công cụ tài chính và cơ chế linh hoạt để “mềm hóa” điều kiện vay để giúp các nước thành viên đang chuyển đổi dần dần thích ứng với các điều kiện vay vốn kém ưu đãi mới. Và, việc xây dựng một Chiến lược đối tác quốc gia đối với từng nước thành viên hoặc từng nhóm nước có cùng trình độ phát triển, với những giải pháp hỗ trợ đặc thù giúp xử lý một cách tốt nhất các thách thức của quá trình phát triển tương ứng, sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng giúp khẳng định vai trò đáng tin cậy của một tổ chức đa phương như AIIB, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận vốn, duy trì các thành quả phát triển và gia tăng tác động lan tỏa trong các hoạt động tài trợ của AIIB.

Tham gia phiên Thảo luận Bàn tròn của các Thống đốc, Trưởng Đoàn Việt Nam đã trình bày về quan điểm của Việt Nam đối với các chủ đề của phiên thảo luận. Theo đó, nguồn lực đầu tư từ nhà nước là không đủ để đáp ứng nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng của các nước thành viên, do vậy AIIB có thể nâng cao vai trò của mình thông qua việc thực hiện các biện pháp rà soát khuôn khổ vốn và huy động từ khu vực tư nhân. Việc kêu gọi thêm các nguồn tài trợ ưu đãi, xây dựng các cơ chế tài trợ hợp vốn để giảm chi phí vay cho các thành viên kém phát triển và đang phát triển là rất quan trọng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn và lan tỏa tác động phát triển trong các hoạt động tài trợ của AIIB.

Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu khí hậu vào năm 2025, AIIB cần tiếp tục củng cố các cam kết tài chính khí hậu thông qua việc (i) tập trung vào các dự án có khả năng tối ưu hóa tác động đến khí hậu như các dự án giảm phát thải khí nhà kính hoặc tăng cường khả năng phục hồi khí hậu. Điều này bao gồm các dự án về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông bền vững, thích ứng và phục hồi khí hậu; (ii) thúc đẩy số hóa để phát triển công nghệ sạch và thông minh về khí hậu; (iii) hỗ trợ huy động vốn tư nhân cho tài chính khí hậu và phát triển các công cụ tài chính mới như bảo lãnh và các công cụ tài chính khác làm tăng tính hấp dẫn của các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu; (iv) củng cố năng lực nội bộ, chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất về chống biến đổi khí hậu với các nước thành viên và các bên liên quan khác để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có cuộc gặp với Ông Urjit R. Patel - Phó Chủ tịch, phụ trách Đầu tư Khu vực 1, bao gồm Nam Á, Quần đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á của AIIB. Tại cuộc gặp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chúc mừng những thành tựu ấn tượng của AIIB sau hơn 7 năm hoạt động, đánh giá cao Ban Lãnh đạo AIIB đã phản ứng mau lẹ và có những điều chỉnh kịp thời trong chính sách và hoạt động, giúp Ngân hàng vượt qua khó khăn và hoàn thành các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các nước thành viên đối phó với khủng hoảng và phục hồi nền kinh tế, đồng thời đảm bảo duy trì tình hình tài chính an toàn, lành mạnh.

Đáp lại lời của Phó Thống đốc, Lãnh đạo cấp cao AIIB đánh giá cao kết quả đầy ấn tượng của Việt Nam thời gian qua về tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, an toàn vượt qua đại dịch; nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam với tư cách là một nước thành viên sáng lập, là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm của AIIB nói riêng và trong cộng đồng quốc tế nói chung. AIIB cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để trong thời gian tới tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa AIIB và Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như phát triển năng lượng tái tạo. Đoàn cũng đã có các buổi làm việc với các Vụ chức năng của AIIB như Kiểm toán tuân thủ, Đầu tư, Tài chính để chia sẻ và lắng nghe quan điểm của hai bên trong việc khơi thông và thúc đẩy hoạt động của AIIB tại Việt Nam.

Bên lề Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã có buổi tiếp xúc cấp cao với Thứ trưởng Tài chính Singapore để chia sẻ và khẳng định tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan tới phát triển Nhóm nước và khai thác mối quan hệ với AIIB. Tại buổi làm việc với NHTW Ai Cập, hai bên đã thảo luận về định hướng triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác chung trong lĩnh vực ngân hàng mới được ký kết vào tháng 7/2023 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ai Cập của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa qua. Đoàn cũng đã có buổi gặp gỡ với Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập để trao đổi về vai trò của Ai Cập trong bối cảnh kinh tế chung, với tư cách là một quốc gia ở vị trí địa lý chiến lược kết nối Châu Phi, Châu Âu và Châu Á.

Việc tham dự Hội nghị cũng như các hoạt động tiếp xúc song phương của đoàn Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện tại khi Việt Nam đã tốt nghiệp nhóm các nước được tiếp cận nguồn ưu đãi từ các ngân hàng và đối tác phát triển và tăng cường tiếp cận các nguồn vốn mang tính thị trường nhiều hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn Việt tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 8 Hội đồng Thống đốc AIIB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO