Thứ Hai, 7/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trong bối cảnh nhân lực đang trở thành yếu tố then chốt, việc các doanh nghiệp bắt tay với các trường đào tạo được kỳ vọng sẽ tạo dựng một hệ sinh thái giáo dục-doanh nghiệp bền vững…
Gắn kết học với hành
Chiều 21/3, tại Hà Nội, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo “Mô hình doanh nghiệp đồng hành đào tạo sinh viên kinh tế phát triển”, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược đào tạo gắn kết giữa học thuật và thực tiễn.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi như: Tập đoàn IC; Tập đoàn DKNEC; Tập đoàn Đất Việt; Công ty cổ phần Misa; Công ty Cổ phần HCJ; Công ty Cổ phần Công nghệ HiNET Việt Nam; Công ty CP dịch vụ bất động sản Sen vàng (lĩnh vực R&D Bất động sản); Công ty cổ phần Shinec (KCN Nam Cầu Kiền); Cty Cổ phần Ao Vua…
Tại sự kiện, Trường đại học Kinh tế ĐHQGHN đã ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như: Tập đoàn IC; Tập đoàn DKNEC; Tập đoàn Đất Việt; Công ty Cổ phần Misa; Công ty Cổ phần HCJ; Công ty Cổ phần Công nghệ HiNET Việt Nam…
Hợp tác hướng tới mục tiêu hỗ trợ đào tạo, thực tập, tuyển dụng, giúp sinh viên không chỉ được tiếp cận lý thuyết mà còn có cơ hội trải nghiệm thực tế ngay trong quá trình học; xây dựng chương trình đào tạo hướng tới nhu cầu thị trường.
Phát biểu tại sự kiện, PGS,TS. Hoàng Khắc Lịch, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, nhấn mạnh: “Trong suốt chặng đường phát triển, Trường Đại học Kinh tế luôn kiên định với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến hội nhập quốc tế. Chúng tôi không chỉ trang bị kiến thức nền tảng mà còn tạo điều kiện để sinh viên được cọ xát với thực tiễn thông qua các chương trình hợp tác doanh nghiệp. Sự kiện ký kết hôm nay là minh chứng rõ ràng cho chiến lược này…”
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, với sự đồng hành của các doanh nghiệp hàng đầu, sinh viên sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam.
PGS,TS. Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển nhấn mạnh, chương trình đào tạo tại Trường đại học Kinh tế, ĐHQGHN đang ngày càng hướng tới tính ứng dụng cao, quốc tế hóa và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chương trình không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn, chương trình còn tập trung vào đào tạo kỹ năng thực tiễn như: Ứng dụng công nghệ dữ liệu trong kinh tế; Quản trị doanh nghiệp và kinh tế tuần hoàn; Tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng một mô hình mà sinh viên không chỉ là người học mà còn là người tham gia vào quá trình sáng tạo, phát triển cùng doanh nghiệp. Nhà trường không chỉ đào tạo mà còn phải giúp sinh viên có thể thích ứng ngay với thị trường lao động sau khi tốt nghiệp”, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển khẳng định.
Một trong những bài học quan trọng mà PGS,TS. Nguyễn An Thịnh chia sẻ là việc tạo ra các cơ chế hợp tác bền vững, lâu dài. Ông khuyến khích các doanh nghiệp không chỉ tham gia vào các hoạt động đào tạo ngắn hạn mà còn đóng góp vào việc phát triển chương trình đào tạo lâu dài, giúp sinh viên có được cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về ngành nghề mình theo đuổi. Ông cũng lưu ý rằng việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường cần được duy trì một cách liên tục và có hệ thống để đảm bảo sự phát triển ổn định và hiệu quả của mô hình.
“Chìa khóa” thích nghi với sự biến động của thị trường
Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp đã có những chia sẻ tâm huyết, thể hiện rõ định hướng đồng hành lâu dài với nhà trường trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Thản -Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho rằng những điều doanh nghiệp đời nào cũng cần, đó là trí tuệ, công nghệ và tiền vốn. Muốn ứng dụng được công nghệ trước hết phải là con người số, con người phải làm chủ công nghệ, sau đó tiền mới là yếu tố thứ ba.
Chủ tịch công ty Ao Vua cũng đặc biệt lưu ý 3 giá trị cốt lõi của con người, đó là: Sức khỏe, kỹ năng sống và kỹ năng nghề. “Có 2 ví dụ điển hình: 1 người có học hành bài bản, ứng dụng được trong công việc công ty có thể trả lương 60 triệu đồng/tháng, 1 người học ngoài đời, tự phát triển nghề có thể được trả 50 triệu đồng/tháng. Sự kiện doanh nghiệp đồng hành với nhà trường là đúng nguyên lý. Mong rằng tới đây sẽ tăng cường chiều sâu để biến cái phức tạp trở thành đơn giản…”, doanh nghiệp bày tỏ.
Ông Đinh Văn Hiến, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKNEC cho rằng, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là chìa khóa để thích nghi với những biến động nhanh chóng của môi trường kinh tế toàn cầu. Thông qua các dự án R&D và học bổng, DKNEC cam kết tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với công nghệ và quản trị hiện đại, sẵn sàng bước vào môi trường làm việc thực tiễn.
Theo ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần HCJ: Ngành du lịch và dịch vụ đang cần một thế hệ nhân sự năng động, sáng tạo và có kỹ năng quản trị hiện đại. Thông qua chương trình hợp tác lần này, HCJ kỳ vọng có thể góp phần đào tạo những nhân sự vừa có kiến thức nền tảng, vừa hiểu rõ thực tế ngành nghề.
Bà Bùi Thị Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec nhấn mạnh: “Là đơn vị tiên phong trong phát triển khu công nghiệp sinh thái và ESG, Shinec đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nhân lực gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc trao học bổng và triển khai dự án R&D với sinh viên là cách chúng tôi đầu tư cho một tương lai bền vững, nơi con người là trung tâm của đổi mới sáng tạo.”
Trong khuôn khổ sự kiện, các doanh nghiệp đã cam kết trao gần 200 suất học bổng cho sinh viên nhà trường. Trong đó, các doanh nghiệp như DKNEC, Đất Việt, Shinec tài trợ mỗi đơn vị 30 suất học bổng cùng với một dự án R&D. Công ty HCJ tài trợ 30 suất học bổng, trong đó 10 suất dành cho học sinh đạt giải trong cuộc thi môi trường toàn quốc. Các đơn vị khác như MISA, HiNET Việt Nam và Sen Vàng cũng đóng góp tích cực với các gói học bổng và hỗ trợ nghiên cứu…