Các Hiệp hội ngành, nghề

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bán thấp, mua cao

Nguyễn Huyền 25/08/2023 - 16:49

Dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, ngày 23/8, giá gạo 5% tấm của các nước: Thái Lan ở mức 628 USD/tấn (giảm 5 USD/tấn); Việt Nam giá 638 USD/tấn (không giảm); Pakistan thấp nhất 588 USD/tấn (không giảm). Giá gạo 5% tấm Việt Nam đang cao nhất, vậy có làm giảm tính cạnh tranh?.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 21/8 đến nay, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam vẫn đứng ở mức 638 USD/tấn, cao hơn 10 USD so với gạo Thái Lan cùng loại (628 USD/tấn), gạo 5% tấm Pakistan giá 588 USD/tấn.

Giá gạo 25% tấm của Việt Nam ở mức 623 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan là 565 USD/tấn, gạo 25% Pakistan có giá 528 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang cao nhất trong số các nước xuất khẩu gạo.

Khủng hoảng nguồn cung đẩy giá chào gạo Việt Nam tăng cao

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, do giá gạo Việt Nam tăng quá cao nên nhiều ngày qua khách Trung Quốc đã ngừng không mua gạo mà chỉ mua nếp, hiện chỉ còn khách hàng Indonesia và Philippines hỏi mua gạo.

Trước đây, mỗi lần doanh nghiệp ký hợp đồng bán gạo từ 10.000-20.000 tấn, bây giờ thị trường gạo nhiều biến động nên họ khá dè dặt khi quyết định ký hợp đồng mới, mỗi hợp đồng cũng bán từ 2.000-3.000 tấn.

“Không chỉ doanh nghiệp mình mà khách hàng cũng rất dè dặt khi ký hợp đồng mới, nên phần lớn họ chỉ lấy hàng hợp đồng cũ. Hiện có một số doanh nghiệp đã thương lượng được với khách hàng giãn, hoãn thời gian giao hàng. Để chia sẻ khó khăn, khách hàng còn ký hợp đồng mới giá mới cao hơn nhưng do giá gạo cứ tăng nên hợp đồng mới ký xong lại lỗ tiếp và “lỗ lại chồng lỗ””, ông Đôn nói.

Giá gạo của Việt Nam tăng cao nhưng kinh doanh của doanh nghiệp không đạt hiệu quả, trừ những doanh nghiệp có hàng tồn kho cũ chưa bán nhưng xét về hiệu quả kinh tế thì không. Ví dụ, trước đây mua 1 tấn gạo chỉ cần 450 USD nhưng nay doanh nghiệp phải chi ra 550 USD, trong khi chất lượng không cao.

hinh-xuat-khau-gao-8110.jpg
Gạo 5% tấm trên thị trường tăng giá mạnh khiến việc trả nợ hợp đồng cũ rất “mệt mỏi” (Ảnh minh hoạ)

“Chất lượng gạo giao cho khách hàng không cao nhưng bên mua vẫn phải nhận, vì nếu không nhận thì không có gạo, họ nhận mà trong lòng cảm thấy không vui”, ông Đôn chia sẻ.

Các vấn đề ngành gạo đang đối mặt

Phân tích giá gạo trong nước tăng cao hơn giá xuất khẩu, Giám đốc Công ty Việt Hưng cho rằng, do còn nợ hợp đồng cũ buộc doanh nghiệp phải mua để giao hàng cho khách, thấy vậy, thương lái và nhà máy “câu kết” đẩy giá gạo trong nước tăng cao nên giá ngày hôm sau lại cao hơn hôm trước.

Khi giá gạo Việt Nam tăng vọt và vượt Thái Lan, nhà nhập khẩu đã tìm đến các thị trường có giá tốt, chất lượng bảo đảm. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Thái Lan, Campuchia đã được hỗ trợ bởi các giao dịch mới giá tốt. Tuy nhiên, lượng gạo Campuchia không nhiều, còn Thái Lan cũng chỉ xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo/năm. Để giữ mối quan hệ, khách hàng vẫn tiếp tục mua gạo Việt nhưng số lượng không nhiều.

Bức tranh toàn cảnh gạo Việt đang nổi lên 3 vấn đề: Thứ nhất, do doanh nghiệp buộc phải gom hàng trả nợ hợp đồng, lợi dụng thế khó của doanh nghiệp thương lái, nhà máy, nhà cung ứng cùng đẩy giá gạo trong nước tăng cao hơn giá cả thế giới.

Thứ hai, doanh nghiệp đã thương lượng với bên mua giãn, hoãn thời gian giao hàng, cùng với đó ký thêm hợp đồng mới giá cao để giúp họ giảm lỗ, nhưng lại tiếp tục lỗ nữa do giá gạo trong nước cứ tăng.

Thứ ba, giá gạo 5% tấm Việt Nam đang cao hơn giá gạo Thái Lan nhưng chất lượng gạo không cao, đã có nhiều khách hàng nước ngoài đến Thái Lan, Campuchia tìm mua gạo, trừ những trường hợp nhà nhập khẩu mua để cho doanh nghiệp bớt lỗ, nếu đơn thuần đàm phán hợp đồng mới thì doanh nghiệp vẫn chưa ký bán mới.

Doanh nghiệp gạo “bán thấp, mua cao”

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 7/2023, cả nước đã xuất khẩu 660.738 tấn gạo, trị giá 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và 6,4% về giá trị so với tháng trước.

Lũy kế trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,89 triệu tấn, trị giá 2,617 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 7/2023, Philippines đã mua của Việt Nam 242.847 tấn gạo, trị giá 129,14 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 31,45% về lượng, và giảm 22,11% về kim ngạch. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất, đạt 1.937.740 tấn, trị giá 984,90 triệu USD, chiếm 39,6% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước. So với cùng kỳ giảm 2,07% về lượng nhưng tăng 6,49% về giá trị, nhờ giá gạo xuất khẩu tăng.

Tiếp theo là Trung Quốc. Tháng 7, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 41.787 tấn, trị giá 23,148 triệu USD, so với tháng 7/2022 tăng 51,3% về lượng và tăng 59,26% về giá trị. Cộng dồn 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 718.654 tấn, trị giá 413,468 triệu USD. So với cùng kỳ năm rồi tăng 54,14% về lượng và tăng 70,33% về trị giá.

Trong số các thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia.

Tuy giá gạo xuất khẩu tăng cao nhưng doanh nghiệp không đạt lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng do những biến động về giá mua. Dù các nhà nhập khẩu Indonesia, Philippines đồng ý thương lượng lại và đã trả thêm từ 30 - 80 USD/tấn nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn lỗ.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, gạo 5% tấm trên thị trường tăng giá mạnh khiến việc trả nợ hợp đồng cũ rất “mệt mỏi”.

“Trong kinh doanh, mọi người đều mong muốn thị trường ổn định, việc lúa gạo “nhảy giá” trong thời gian vừa qua khiến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khá ảm đạm và ngần ngại ký kết hợp đồng mới vì biết đâu vừa đặt bút ký xong bên ngoài giá lúa gạo lại tăng?”, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP Hồ Chí Minh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang bán thấp, mua cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO