Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua 2 website: www.gacc.app và www.aqsiq.net.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2023 đã có nhiều nhóm hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, trái cây các loại đã tận dụng được những cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ vậy, trong 11 tháng của năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có tăng trưởng 6,2%, đạt giá trị gần 156 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thời gian gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đã nhận được yêu cầu từ phía khách hàng Trung Quốc về Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đăng ký và nộp phí thông qua 2 website: www.gacc.app và www.aqsiq.net có dấu hiệu giả mạo và lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt tiếng Anh của các cơ quan trực thuộc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc trong địa chỉ website. Yêu cầu các doanh nghiệp phải trả phí từ 100 – 1.000 USD để đăng ký giấy tờ chứng nhận mã số xuất khẩu sang thị trường này.
Trước thông tin trên, Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc không yêu cầu về loại giấy tờ này và quy định thu phí trực tuyến, đồng thời đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp cần truy cập các website chính thức của phía Trung Quốc có đuôi .cn để kiểm tra kết quả đăng ký, tra cứu thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, mặt khác liên tục cảnh giác với các yêu cầu bất thường trong quá trình giao thương với đối tác.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) cho biết, theo quy định của Hải quan Trung Quốc và Việt Nam, không có chuyện thu phí về việc cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
“Trong trường hợp nhận được yêu cầu như vậy từ phía khách hàng thì đề nghị các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia là Văn phòng SPS Việt Nam, chúng tôi sẽ có trách nhiệm để giải đáp các quy định này cho doanh nghiệp. Sắp tới Văn phòng SPS Việt Nam cũng dự kiến xây dựng cổng thông tin sẽ kết nối với các doanh nghiệp thông qua các app để có thông tin chúng tôi sẽ cập nhật và có thể tương tác hai chiều”, ông Nam nói.
Khi có những vướng mắc cần phối hợp ngay với các cơ quan chuyên môn xử lý
Hiện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) đang đàm phán với phía Trung Quốc để mở cửa cho các nhóm hàng, gồm: Sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, ớt, dưa hấu và dược liệu. Vào giữa tháng 12/2023, Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với dưa hấu tươi giữa bộ này và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được thực hiện trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhóm hàng còn lại là sầu riêng đông lạnh, ớt, dừa tươi và dược liệu vẫn được đang được 2 nước Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán, nếu đàm phán thuận lợi và đi đến ký Nghị định thư thì kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 dự kiến đạt khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, do trước đây Trung Quốc đã ký độc quyền với Thái Lan về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, vì vậy, muốn ký với Việt Nam thì họ sẽ phải cân nhắc mối quan hệ với Thái Lan, cùng với đó là những quy định về điều kiện kỹ thuật chế biến đông lạnh, chất lượng đóng gói... của Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Tính đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất chính ngạch vào Trung Quốc, tuy nhiên, để xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc, cần tăng cường quy hoạch, cấp mã số chứng nhận vùng trồng, đảm bảo chất lượng để tăng cường xuất chính ngạch. Đây là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư sản xuất, cũng như thay đổi tư duy và cách tiếp cận để khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường này.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, đến sau ngày 30/6/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đều đã tiến hành đăng ký và được hướng dẫn cụ thể cập nhật hồ sơ trên cổng thông tin của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Sự thay đổi chính sách từ Trung Quốc theo hướng đưa hoạt động thương mại vào chính quy, do đó đòi hỏi nông sản Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu qua đường chính ngạch. Hơn nữa, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, vì các nhà xuất khẩu và các thương gia nhiều nước cũng đang tập trung vào thị trường Trung Quốc sau mở cửa, việc các doanh nghiệp chủ động nắm bắt thông tin, xu hướng và phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng sẽ là chìa khóa mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường tỷ dân này.
“Trong bất kỳ trường hợp nào khi có những vướng mắc chúng ta cần phối hợp ngay với các cơ quan chuyên môn để xử lý, cũng như kịp thời thông báo cho Hải quan Trung Quốc về thời gian mà chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra thực địa, cũng như trả lời cho phía bạn để tháo gỡ khó khăn đó trong vòng khoảng 2 tuần kể từ khi Trung Quốc nhận được những cảnh báo”, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nói.