Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, chuyên gia nghiên cứu và ứng dụng phong thủy Trịnh Bá Tửu lại dành cho bạn đọc tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ những tư vấn mang tới thông tin tham khảo với mong muốn giúp các bạn đọc có thể đón một năm mới thuận lợi, nhiều may mắn.
Theo phong tục tập quán, Tết Nguyên đán Ất Tỵ bao gồm các ngày trước, trong và sau Tết.
Các ngày trước Tết: Bắt đầu với ngày lễ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp, tiếp đó là chuẩn bị cho Tết, làm lễ trước Tết, cúng tất niên ngày 29 tháng Chạp.
Các ngày trong Tết: gồm mùng 1, mùng 2, mùng 3 Âm lịch
Các ngày sau Tết: gồm mùng 4, 5, 6… đến mùng 10 tháng Giêng
Cũng có cách gọi khác, phân chia làm 3 khoảng thời gian: Tất niên, Giao thừa và Tân niên. Mỗi khoảng thời gian này đều được chuẩn bị lễ nghi thiêng liêng, với những hình thức khác nhau.
Trong thời gian Tết, có từ 8 - 10 lễ cúng quan trọng. Cúng ông Công, ông Táo, cúng Tất niên chiều 29 tháng Chạp trong nhà và ngoài mộ, cúng giao thừa ngoài sân và trong nhà, cúng cơm sáng và chiều mỗi ngày mời ông bà tổ tiên ăn Tết cùng con cháu, lễ hóa vàng mã.
Các hoạt động quan trọng trong ngày Tết bao gồm các hoạt động chuẩn bị Tết, các hoạt động trong ngày Tết và các hoạt động kết thúc Tết. Có thể tóm tắt như sau: Làm sạch trang hoàng nhà cửa; Mua sắm đồ mới; Sắm lễ và làm các món bánh Tết, nấu các thức ăn cho Tết; Lễ cúng tất niên, tân niên; Chuẩn bị đón người xông đất; Mở hàng, khai trương, mở kho…; Lễ hóa vàng mã.
Tiếp theo là những phần việc quan trọng về phong thủy trong ngày Tết năm Ất Tỵ.
Dọn dẹp nhà cửa theo phong thủy
Dọn dẹp nhà cửa là việc làm để thay đổi diện mạo không gian sống, làm đẹp thêm, tạo vận khí trong nhà tốt hơn trong năm mới. Công việc này có thể tiến hành từ ngày 23 tháng Chạp và tiếp sau đó mấy ngày nữa.
Phòng khách phải được quan tâm đặc biệt, bởi đây là diện mạo của gia đình về phong thủy, đây là trung tâm tích tụ tài lộc, do vậy cần dọn dẹp sạch sẽ, thông thoáng, bố trí lại sao cho tăng thêm cảm giác ấm áp, tươi mới, hấp dẫn. Có thể dùng sơn để sơn lại cửa, trải thảm sàn, rèm cửa, dán tường… và đặt các vật khí phong thủy mới: tranh Tết, tượng Di Lặc…
Phần cửa chính rất quan trọng, đây là nơi đón vận khí tốt lành vào nhà. Nếu đang thuận lợi trong làm ăn thì không nên thay đổi lớn, mà chỉ nên lau chùi tại chỗ cho sạch sẽ. Nếu trước đây và hiện tại không được thuận lợi thì có thể thay đổi cơ bản cửa chính để đón Tết (như sơn mới, dùng màu hợp với mệnh chủ nhà, hợp với năm Ất Tỵ; lắp thêm đèn sáng nơi cửa ra vào…; hóa giải phong thủy nếu có thầy phong thủy mách bảo.
Lưu ý quan trọng: Kiểm tra xem trước nhà có bị xung sát phong thủy gì không (góc nhọn, đường xe chạy, mũi tên chĩa vào nhà, bị đọng nước bẩn… đều phải được hóa giải nếu bị phạm).
Phòng bếp cũng rất quan trọng, cần được dọn dẹp làm sạch sẽ giúp cho không gian phòng bếp có được vận khí lưu thông tốt. Để phòng bếp thêm tươi mới, có nhiều tính dương, cần dùng các màu sắc sáng sủa, rực rỡ (khăn trải bàn ăn, bình hoa, bộ ấm chén, mâm ngũ quả…).
Phòng ngủ cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt phần đầu giường, cần loại bỏ các đồ dùng cũ không cần, lau sạch bụi bẩn, tạo không khí ấm áp, tươi mới, hấp dẫn.
Trang trí nhà theo phong thủy
Trang trí nhà cửa là một phần quan trọng của Tết. Nguyên tắc chính của trang trí là âm dương, tam tài (thiên, địa, nhân), ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ)...
Về màu sắc, màu chủ lực trong dịp Tết là đỏ, hồng, theo phong thủy các màu này kích hoạt may mắn, tài lộc. Càng nhiều màu đỏ, hồng, vàng (dương) càng tốt (câu đối đỏ, hồng, đèn lồng đỏ, hoa đồng đỏ, hoa đào, hoa hải đường, cây mai vàng, cây quất quả chín vàng là những màu sắc rất phù hợp cho ngày Tết.
Vì vậy, dân ta rất thích tạo nên không khí mới khi trang trí cho Tết: các cây mai, đào, quất, hoa vạn thọ, cúc đồng tiền, cúc mâm xôi thường được chọn lựa. Màu đen, trắng, nâu tránh dùng trong dịp Tết vì có tính âm, không tốt cho thịnh vượng và tài lộc.
Cần lưu ý tạo ánh sáng đẹp hấp dẫn, vui: nên bật đèn sáng, hạn chế góc tối. Ngày nay có nhiều loại đèn nháy cả về chủng loại hình dáng, kiểu nhấp nháy nhiều màu đẹp, rất được gia chủ ưa chuộng.
Mâm cỗ cúng gia thần và gia tiên
Mâm cỗ này thường đặt lên bàn thờ gia tiên vào đêm giao thừa và sáng ngày mồng Một. Các món ăn truyền thống, không chỉ là món cúng mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc (bánh chưng, bánh tét, gà luộc, đĩa xôi, chả giò, nem cuốn, cơm canh…).
Mâm cỗ thường có nhiều món, nên không đủ chỗ để bày biện trên bàn thờ, mà thường đặt dưới bàn thờ (có 1 bàn con) hoặc trên ngăn phụ được kéo rộng ra dưới mặt bàn thờ).
Theo các nhà nghiên cứu về Tết, mâm cỗ cúng chiều 29 Tết, giao thừa và mùng 1, mùng 2, mùng 3 Tết về cơ bản là giống nhau nhưng có khác nhau về các món trong mâm lễ ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, hoặc các ngày mùng 2, 3 có thể được đơn giản hơn, giảm bớt một số món.
Ở miền Bắc, ngoài bánh chưng ra, còn có các món khác thường được tính theo bát đĩa 4, 6, 8. Cỗ bình thường thì 4 bát, 4 đĩa; cỗ lớn thì 6 hoặc 8 bát và đĩa. Tính bằng bát gồm có: bát móng giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng nấu thập cẩm, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Tính bằng đĩa gồm có: Xôi màu hoặc bánh chưng, đĩa gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò lụa, đĩa giò xào, đĩa nộm, đĩa dưa hành muối.
Ở miền Trung, thường có nhiều món ăn: bánh chưng, bánh tét, dưa món, giò lụa, thịt đông, gà, thịt heo, canh măng, miến, cá, chả nem... Nhìn chung, ở miền Trung, gia đình có gì dâng món đấy để tỏ lòng thành kính và biết ơn. Mâm cỗ càng nhiều món, thịnh soạn, chứng tỏ gia đình có vị thế và hy vọng năm tới cũng no ấm đủ đầy.
Ở miền Nam, mâm cỗ cúng Tết có phần đặc trưng theo khí hậu, không có không khí lạnh như miền Bắc, miền Trung, nên thường có: bánh tét, kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm, canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), canh khổ qua nhồi thịt, thịt heo kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa), đĩa thịt heo luộc, đĩa gỏi tôm thịt, đĩa chả nem, đĩa chả giò, đĩa dưa giá, củ kiệu.
Mâm cỗ cúng cũng tùy theo ngôi vị mà đặt lễ. Ví dụ, cúng Phật thì nên là đồ chay, trái cây, thể hiện sự thanh tịnh; cúng ông Địa thần Tài, ông bà gia tiên thì cúng các món mặn sẽ phù hợp hơn.
Hoa quả và mâm ngũ quả
Hoa quả ngày Tết cần lưu ý đến: hình thù tròn trịa và đều đặn, vỏ mịn màng trơn láng... Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, hình dạng một vật có thể tạo ra hiệu ứng về các nguồn năng lượng tốt xấu khác nhau. Những quả méo mó, xù xì, gai góc héo hỏng sẽ mang đến nguồn năng lượng xấu, không nên bày lên bàn thờ. Nếu phạm, thì nguồn năng lượng xấu sẽ ảnh hưởng đến tài lộc và vận may của gia đình trong cả năm. Ngược lại, những quả tròn trịa, trơn láng... sẽ mang lại năng lượng tốt, suôn sẻ, thuận lợi.
Các loại quả thường được chọn để cúng Tết, có tên gọi hoặc ý nghĩa tốt lành, xin được điểm qua sau đây: Bưởi là trái cây tượng trưng cho sự thanh khiết đầy đặn; quýt tượng trưng cho sự may mắn; đu đủ là sự đủ đầy no ấm; táo to, nhỏ là phú quý, giàu sang; sung và lúa làm thành một bộ sung túc, ăn nên làm ra; chuối được dùng ở miền Bắc, tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần đầm ấm, đùm bọc và gắn kết; xoài ở miền Nam hay dùng, thơm ngon, lại được đọc biến âm thành xài, có tiền xài thoải mái, không thiếu thốn... Các loại quả ít được dùng để cúng gồm chôm chôm, hồng xiêm (sapoche).
Về số lượng, chưa có quy định nào, tùy điều kiện mỗi gia đình. Tuy nhiên, dân gian thường chọn những số lượng có ý nghĩa phong thủy được cổ nhân để lại: Ba, tượng trưng cho tam tài (thiên, địa, nhân); Bốn là tứ quý, 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; Năm, tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ); Sáu, theo người Hoa biến âm thành Lộc, mang lại may mắn, tài lộc; Tám gọi là Bát, biến âm là Phát, ý muốn phát triển; Chín là con số cực tốt dành cho vua chúa. Số 7, là Thất, không được ưa chuộng, thất bại, mất mát. Tuy nhiên, có loại quả thành chùm (như nhãn, sung, nho...), vì vậy, không nên quá gò bó về số lượng, thay vì chăm chú đến số lượng quả, ta nên tập trung vào chọn sao cho trái cây tròn trịa, tươi ngon thì tốt hơn và nên chọn các loại quả có nhiều màu dương (đỏ, hồng, vàng, xanh); tránh những màu âm (đen, trắng, xám, nâu); nếu có, chỉ là chấm phá.
Mâm ngũ quả là rất quan trọng nên cần được quan tâm chu đáo.
Nguồn gốc của mâm ngũ quả xuất phát từ triết lý ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Khi ngũ hành tương sinh, tức là thông suốt, hanh thông, phát triển đi lên; khi ngũ hành tương khắc lại tạo nên động lực để phát triển.
Theo văn hóa vùng miền, các mâm ngũ quả ngày Tết có sự khác nhau.
Miền Bắc, luôn có nải chuối xanh (là Dương), bưởi, quất. Người sùng đạo Phật có thể thay bưởi bằng phật thủ. Nải chuối xanh có các quả dài hướng lên trên như bàn tay ôm lấy, đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác, tượng trưng cho gia đình xum vầy, quây quần, đầm ấm. Quả quất cảnh, quả hồng hay ớt đỏ được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả...
Miền Trung, dải đất miền Trung thường bị thiên tai, bão lũ, ít cây trái. Vì vậy, mâm ngũ quả thường đơn giản, không quá câu nệ hình thức, có gì cúng nấy, miễn thành tâm là được. Vì vậy, mâm ngũ quả thường có: nải chuối xanh, bưởi, xoài, dưa hấu, thanh long, sung, táo, lựu, phật thủ.
Miền Nam, thường có dừa, mãng cầu, đu đủ, xoài, sung. Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn, ước mong năm mới đủ đầy sung túc, tương ứng với 5 loại quả: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài và thông dụng nhất là đặt đu đủ, xoài lên mâm trước (do có hình dáng to và khá nặng để đỡ các loại trái khác, rồi sau đó mới bày các loại quả còn lại lên trên).
Phần tiếp theo của bài viết cung cấp các thông tin liên quan đến Lễ Hoá vàng mã, tiêu chí chọn khách xông đất đầu năm, ngày giờ tốt đầu năm mời bạn tìm đọc chi tiết trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 1/2025.