Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu chứng khoán, phân bón, nông nghiệp cũng thể hiện khá tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão (ngày 7/2). Tâm lý giao dịch hứng khởi giúp cho nhà đầu tư vẫn khá hào hứng dù kỳ nghỉ Tết sẽ bắt đầu từ ngày mai.
Định vị thị trường
Chứng khoán Trung Quốc sau khi xuất hiện thêm các thông tin về sự hỗ trợ của chính phủ với nền kinh tế tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Chỉ số SZI (+2,93%) SHMCP (+1,44%) là những chỉ số tăng mạnh nhất khu vực.
Diễn biến này cũng hỗ trợ tâm lý cho các thị trường khu vực châu Á dù hiện thị trường Trung Quốc không thể hiện được vai trò dẫn dắt. KOSPI (+1,3%), TWSE (+0,2%), STI (+0,87%) đều tăng điểm.
Còn VN-Index, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão với tâm lý khá phấn khởi và mốc 1.200 điểm đã có lúc gần như chạm vào được.
Chất xúc tác
Thị trường thậm chí còn không có dấu hiệu muốn nghỉ ngơi bởi tính cả phiên hôm nay, thị trường có 3/4 phiên khớp trên mức bình quân 20 phiên.
Thông tin tích cực tác động tới nhà đầu tư là việc số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 125.169 tài khoản trong tháng 1/2024, gấp hơn 3 lần so với tháng 12/2023, mức mở mới cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Đóng góp của nhà đầu tư nội đã được tăng cường trở lại trên 92% còn nhà đầu tư ngoại cũng đã giảm bớt ảnh hưởng giao dịch. Khối ngoại thực tế cũng chỉ bán ra không đáng kể với quy mô ròng chưa đến 11 tỷ đồng trên HOSE.
Cũng cần lưu ý tới thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang phản ánh nhu cầu tiền mặt khá cao. Mức lãi suất liên ngân hàng qua đêm được Refinitiv Eikon ghi nhận tăng tới 62% so với ngày 5/2, đạt 3,68%. Điều này cho thấy, thị trường chứng khoán vẫn đang có sức hấp dẫn đặc biệt
Vận động thị trường
Nhóm cổ phiếu dẫn sóng ngân hàng vẫn tạo ra điểm nhấn khi TCB (+4,6%), CTG (+3,2%), HDB (+2,4%), TPB (+2,2%), MBB (+2%) vẫn có lực kéo lên mạnh mẽ. Trong đó CTG và MBB đã về gần sát vùng đỉnh thời đại.
Có tới 6/7 mã ngân hàng xuất hiện trong top "kéo" điểm của thị trường và trường hợp còn lại là VHM (+2%). Nhìn chung, các mã khác trong VN30 như SAB (+0,9%), FPT (+0,8%), GVR (+0,6%), VJC (+0,8%)… đều cho thấy sự ủng hộ tích cực. Tổng cộng có 26/30 mã tăng giá trong rổ VN30.
Về nhóm ngành, ngoài ngân hàng, các ngành chứng khoán, nông nghiệp cũng có đóng góp khá chất lượng với VND (+4,07%), DBC (+5,55%) cùng đứng đầu về giá trị giao dịch toàn sàn. VND đã giao dịch tới hơn 1.000 tỷ đồng còn DBC là hơn 600 tỷ đồng.
Các nhóm năng lượng, hóa chất, đầu tư công cũng tăng khá tốt với TV2 (+3,2%), PC1 (+1,5%), DCM (+3%), DPM (+1,8%), LCG (+1,1%), HT1 (+3,1%)…
Về mặt xu hướng ngắn hạn đã có sự cải thiện khá khẩn trương lên mức 61%. VN-Index chốt phiên tăng 10,05 điểm lên 1.198,53 điểm (+0,85%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 15.505 tỷ đồng.
HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 0,18% và 0,53%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.700 tỷ đồng.