Chủ Nhật, 30/3/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 420,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024, trong đó dư nợ trung và dài hạn ước đạt hơn 159,8 nghìn tỷ đồng.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, tăng cường vốn cho các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm ăn hiệu quả, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao cũng được ưu tiên hỗ trợ vốn.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng đã phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này, nhằm từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 420,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024.
Trong đó, phân theo thời hạn vay, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt khoảng 260,5 nghìn tỷ đồng, dư nợ trung và dài hạn ước đạt hơn 159,8 nghìn tỷ đồng. Hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh trong các tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng tích cực, trong đó tín dụng phân khúc trung, dài hạn có mức tăng cao hơn so với kỳ hạn cho vay ngắn. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục được định hướng cho hoạt động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
Ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai chia sẻ, thời gian tới, đơn vị chủ động hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự bứt phá trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngoại hối, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của khách hàng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng 2 con số.
Trong đó, ưu tiên tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, đồng thời triển khai các chương trình tín dụng đặc thù. Đồng thời, cũng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn chính thống, góp phần hạn chế tín dụng đen.