Thứ Bảy, 10/5/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Nếu như năm 2017 chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, thì đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, với tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế.
Thông tin trên được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đưa ra tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp Báo Lao Động tổ chức ngày 25/4.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng xanh và thực thi ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị doanh nghiệp) là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là giải pháp giúp các tổ chức tín dụng định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh; đồng thời, đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh. Với vai trò đó, thời gian qua, tín dụng xanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng.
Để thúc đẩy tín dụng xanh, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, NHNN đã triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng xanh được thúc đẩy, phát triển, cụ thể:
Đầu tiên, NHNN đã điều hành chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh;
Thứ hai, NHNN xây dựng kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/7/2023 của Thống đốc NHNN) với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao trùm toàn bộ hoạt động ngành Ngân hàng;
Thứ ba, NHNN rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững;
Thứ tư, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tích cực triển khai, người nghèo.
Đặc biệt năm 2024, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng ĐBSCL đến năm 2030” theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27.11.2024 của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng tích cực tham gia làm thành viên của nhiều diễn đàn tài chính quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, huy động nguồn lực, nâng cao năng lực... trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; đồng thời trên cơ sở thực tế triển khai của Việt Nam cũng đóng góp nhiều sáng kiến về ngân hàng xanh, từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế về tiền tệ ngân hàng, phục vụ cho phát triển ngành Ngân hàng, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở các khung chính sách này, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực về nhận thức, số lượng các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh.
“Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, trong thực tiễn các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn như chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; yêu cầu cao hơn về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải… Những “nút thắt” đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới – toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách – thị trường – hành lang pháp lý.
Hơn nữa, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về lợi ích, tầm quan trọng của thị trường tài chính xanh chưa đồng đều, dẫn đến mức độ quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng tài chính xanh chưa cao, tâm lý e ngại khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng mới. Việc đầu tư cho các dự án xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, năng lực thẩm định các yếu tố kỹ thuật môi trường chuyên ngành, do vậy các tổ chức tín dụng sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh của nền kinh tế, nâng cao năng lực của cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh, tài chính bền vững.
Từ những khó khăn thách thức trên, bà Hà Thu Giang cho rằng, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực huy động mọi nguồn lực từ các khu vực kinh tế.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận, huy động các nguồn tài chính từ các định chế, tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, các quỹ tài chính để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh. Đặc biệt, danh mục phân loại xanh quốc gia sớm được ban hành.