Kể từ đầu năm 2023, tỷ trọng các loại tiền tệ của các quốc gia "không thân thiện" trong thanh toán xuất khẩu của Nga đã giảm gần một nửa.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, vào tháng 10/2023, tỷ trọng này chiếm chưa đến một phần tư (24,7%) tổng doanh số thanh toán xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do các biện pháp trừng phạt khiến việc thanh toán bằng USD và Euro trở nên khó khăn, yêu cầu của Nga đối với các nước phương Tây phải thanh toán tài nguyên năng lượng bằng đồng Rúp, cũng như việc phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc và châu Phi, những quốc gia đang tích cực chuyển các khoản thanh toán xuất khẩu sang đồng tiền quốc gia. Đồng thời, một số chuyên gia cảnh báo rủi ro: Khối lượng ngoại tệ mạnh trong nước giảm có thể dẫn đến đồng Rúp suy yếu.
Tỷ trọng của đồng USD trong thanh toán xuất khẩu của Nga đã giảm bao nhiêu?
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, từ đầu năm đến tháng 10/2023, tỷ trọng tiền tệ của các quốc gia không thân thiện trong thanh toán xuất khẩu của Nga đã giảm gần một nửa - từ 48,6 xuống 24,7%.
Biểu đồ: Cơ cấu tiền tệ trong thanh toán xuất khẩu của Nga
Vị trí của đồng USD và đồng Euro trong thanh toán đang được tiền tệ của các quốc gia thân thiện thay thế tích cực. Tỷ trọng đồng tiền các quốc gia thân thiện trong thanh toán xuất khẩu đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm và đạt 37%. Trong đó, đồng Nhân dân tệ chiếm tỉ trọng lớn nhất - theo Ngân hàng Trung ương Nga, đến tháng 10, đồng tiền này chiếm 33% tổng thanh toán xuất khẩu.
Đồng thời, tỷ lệ đồng Rúp trong thanh toán cho việc cung cấp các sản phẩm của Nga trong tháng 10 ở mức 38%, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển Chiến lược và Dự án Quốc gia vào ngày 21/12/2023, tiền tệ của Nga và các quốc gia thân thiện chiếm 75% tổng khối lượng thanh toán quốc tế.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng cung cấp số liệu thống kê về thanh toán xuất khẩu theo khu vực trên thế giới. Kể từ đầu năm, các nước châu Phi đã giảm 3 lần việc sử dụng các loại tiền tệ của các quốc gia không thân thiện trong thanh toán. Hiện tỷ trọng của đồng Rúp và các đồng tiền tệ quốc gia trong thương mại với châu Phi đạt 85% và với châu Á - 79%.
Đồng thời, châu Âu thanh toán cho hàng xuất khẩu của Nga chủ yếu bằng đồng Rúp - tỷ trong thanh toán bằng đồng Rúp trong 3 tháng liên tiếp vượt quá 50%. Giá trị thanh toán xuất khẩu bằng tiền tệ của các quốc gia không thân thiện gần đây đã giảm đáng kể ở Bắc và Nam Mỹ - trong tháng 10 so với tháng 9/2023, giảm gần 20%, mặc dù ngay cả sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt, con số này vẫn không giảm xuống dưới 71%.
Chủ tịch Ủy ban thị trường tài chính thuộc Hiệp hội các DNNVV Nga “Opora Rossii”, Egor Diashov giải thích: Châu Âu và Mỹ phải trả tiền cho các sản phẩm của Nga, theo các điều kiện của Nga. Đó là các sản phẩm về tài nguyên năng lượng, phân bón, kim loại và các hàng hóa khác mà Nga vẫn xuất khẩu sang các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, tỉ trọng USD và Euro trong thanh toán xuất khẩu của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi Sắc lệnh của Tổng thống Putin về việc thanh toán tiền khí đốt với các quốc gia không thân thiện bằng đồng Rúp. Văn bản này có hiệu lực vào ngày 1/4/2022.
“Chúng tôi không sử dụng đồng USD và đồng Euro, thanh toán xuất khẩu được thực hiện bằng đồng tiền quốc gia và tiền tệ của các nước thân thiện”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết.
Nhìn chung, vai trò ngày càng tăng của đồng tiền các quốc gia khác và đồng Rúp trong thanh toán cho hàng xuất khẩu của Nga cho thấy rõ rằng Nga không còn phải phụ thuộc vào đồng USD hay đồng Euro nữa.
Động thái của Nga sẽ thúc đẩy việc hạn chế sử dụng USD và Euro
Nga không từ bỏ việc sử dụng đồng USD trong thanh toán quốc tế, nhưng các nước phương Tây đã bắt đầu tạo ra vấn đề trong việc thực hiện chúng, Tổng thống Putin cho biết.
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh, họ muốn chuyển hoàn toàn các khoản thanh toán quốc tế của mình sang tiền tệ quốc gia. Đến khoảng năm 2030, nước Nga gần như có thể loại bỏ hoàn toàn đồng USD khỏi quan hệ thương mại với các đối tác. Ngoài ra, sự phát triển của đồng Rúp kỹ thuật số quốc gia, có thể được sử dụng để thanh toán xuyên biên giới, đóng một vai trò lớn trong quá trình này.
Xu hướng phi đô la hóa đã bắt đầu xẩy ra từ trước năm 2022, nhưng quá trình này diễn ra khá chậm chạp. Tuy nhiên, động thái của Nga lần này sẽ góp phần thúc đẩy việc từ bỏ sử dụng USD và Euro và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang thanh toán bằng các đồng tiền quốc gia trên khắp thế giới. Rõ ràng, tỉ trọng thanh toán bằng các đồng tiền quốc gia sẽ tăng lên trong tương lai.
Việc từ bỏ các loại tiền tệ của các quốc gia không thân thiện ảnh hưởng đến đồng Rúp như thế nào?
Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng đồng Rúp càng nhiều trong các hoạt động thanh toán tài chính và thương mại thì càng tốt cho quốc gia. Tuy nhiên, kết quả là, Nhà nước sẽ nhận được ít ngoại tệ mạnh hơn, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự suy yếu của đồng Rúp, bởi vì yêu cầu của các nhà nhập khẩu vẫn thường muốn thanh toán bằng USD hoặc Euro. Nói cách khác, trong nước, có ít tiền phương Tây hơn, nhưng cầu đối với chúng vẫn ổn định, nên tỷ giá ngày càng tăng (nội tệ giảm giá).
Tuy nhiên, tình hình đang được cải thiện. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ trọng các loại tiền tệ của các quốc gia không thân thiện trong thanh toán nhập khẩu của Nga cũng đã giảm kể từ đầu năm - từ 49,9 xuống 28,6%, tức là, từ gần một nửa xuống dưới một phần ba. Điều này có nghĩa là các nhà nhập khẩu đang giảm sự phụ thuộc vào các đồng tiền của các quốc gia không thân thiện, điều này giúp giảm cầu về tiền phương Tây tại Nga.
Bên cạnh đó, giá khởi điểm của nhiều hàng hóa vẫn được xác định bằng USD và Euro, điều này ảnh hưởng đến quá trình định giá. Hơn nữa, các dự án kinh doanh gắn liền với các loại tiền tệ quốc gia cụ thể khiến việc thu hút người tham gia từ các quốc gia khác trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia vẫn có lợi cho các nhà xuất khẩu vì nó làm giảm nguy cơ bị trừng phạt. Mặt khác, nhiều loại tiền tệ này không được tự do chuyển đổi (ví dụ: Rupee), điều đó có nghĩa là khả năng sử dụng chúng có thể bị hạn chế.
(Nguồn: Евгений Грачев (2023). Всех по рублю: РФ вдвое сократила долю «токсичных» валют в расчетах за экспорт, https://iz.ru/1624323/evgenii-...)