Chứng khoán

Dòng tiền chưa sẵn sàng nhập cuộc, VN-Index đỏ lửa

Quỳnh Dương 09/09/2024 - 16:37

Dòng tiền đứng ngoài cuộc khiến thị trường không thể duy trì được sắc xanh trong phiên hôm nay (9/9). Kết phiên, VN-Index giảm hơn 6 điểm, lùi về dưới mốc 1.270 điểm.

image(1).png
Diễn biến VN-Index

Thị trường mở cửa tuần mới với diễn biến điều chỉnh giảm khi mà sắc đỏ lan tỏa trên diện rộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đà giảm áp đảo, nhóm cổ phiếu thép đi ngược dòng với HPG tăng 1,57%, NKG tăng 2,64%, HSG tăng 2,51% trong phiên sánggiúp hạn chế đà giảm của VN-Index. Mặc dù sắc đỏ chiếm hoàn toàn ưu thế nhưng thanh khoản không quá lớn nên có thể cho rằng chưa xuất hiện áp lực bán tháo.

Diễn biến giằng co rung lắc tiếp diễn ở phiên chiều và áp lực bán gia tăng đầu phiên khiến VN-Index nới rộng mức mất điểm. Tuy nhiên về nửa cuối phiên, lực cầu có tín hiệu tăng và một số cổ phiếu blue-chips, mid-cap hồi phục tốt giúp chỉ số chung thu hẹp biên độ giảm.

image.png
Bản đồ thị trường

Trong nhóm VN30 chỉ có 3 mã là HPG, GAS, SSB đóng cửa trong sắc xanh trong khi có tới 23 mã giảm, đáng kể là cặp đôi cổ phiếu Vingroup là VHM và VIC giảm sâu nhất, cùng giảm 2,1% và tổng cộng đã lấy đi gần 2 điểm của chỉ số chung.

Bên cạnh đó, trong phiên chiều thị trường còn có thêm nhóm cổ phiếu chăn nuôi đảo chiều hồi phục tích cực, với tâm điểm là bộ 3 cổ phiếu gồm DBC tăng 3,8% và khớp 6,7 triệu đơn vị, BAF tăng 2,5% và khớp 4,23 triệu đơn vị, HAG tăng 1,5% và khớp hơn 2,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ một vài điểm sáng nhỏ. Cụ thể, ở nhóm bất động sản, cổ phiếu NVL giao dịch giằng co nhưng đã đóng cửa tăng 1,5%, đạt hơn 16 triệu đơn vị khớp lệnh.

Thanh khoản có dấu hiệu cạn kiện khi giảm sâu xuống đáy 3 tuần, giá trị giao dịch cả 3 sàn chỉ đạt hơn 13.230 tỷ đồng.

Khối ngoại quay lại đà bán ròng với giá trị bán ròng đạt hơn 470 tỷ đồng trên toàn thị trường, chủ yếu bán FPT, MSN, HPG.

image(2).png
Giao dịch khối ngoại

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 104 mã tăng và 85 mã giảm, VN-Index giảm 6,23 điểm (-0,49%), xuống 1.267,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 497,6 triệu đơn vị, giá trị 11.693 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 63,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.407 tỷ đồng.

Sàn HNX có 45 mã tăng và 90 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 1,19 điểm (-0,51%), xuống 233,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59,3 triệu đơn vị, giá trị 1.120 tỷ đồng, tăng 28% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 598 tỷ đồng.

Sàn UPCoM có 130 mã tăng và 97 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,40%), xuống 93,00 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,4 triệu đơn vị, giá trị 423 tỷ đồng, giảm 28% về khối lượng và giảm 7% về giá trị so với phiến hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 51 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2409 giảm 1,3 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.

Nhận định về phiên giao dịch hôm nay, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặc dù thị trường vẫn xuất hiện diễn biến rung lắc tuy nhiên với việc lực cầu xuất hiện cho thấy hiện tại tâm lý của nhà đầu tư chưa quá tiêu cực và những kỳ vọng về nhịp hồi phục vẫn còn đó. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỉ trọng danh mục với các mã thuộc nhóm ngành bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng và có thể cân nhắc giải ngân đối với những mã thuộc nhóm ngành nêu trên ở vùng giá chiết khấu.

Về chiến lược giao dịch trong tuần mới cũng như trong tháng này, CTCK MB (MBS) cho rằng, tác động từ chứng khoán thế giới đang điều chỉnh ở vùng đỉnh đến thị trường trong nước sẽ lắng xuống khi có nhiều thông tin hỗ trợ ở tháng 9. Một số thị trường ở khu vực Đông Nam Á đã ngược dòng chứng khoán thế giới khi đồng USD đã về mức đầu năm.

Bên cạnh đó, số liệu vĩ mô tháng 8 vừa được công bố có thể là điểm tựa hoặc sức đề kháng để thị trường kết thúc nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư trong nước lúc này sẽ quan tâm đến các nền tảng cơ bản hơn tác động ngoại biên. Đây cũng là cơ sở giúp nhà đầu tư có thêm manh mối để đánh giá triển vọng nền kinh tế cũng như bức tranh về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở qúy III/2024.

“Chúng tôi nhận thấy các điểm sáng từ loạt dữ liệu vĩ mô như: lạm phát, PMI, FDI, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh nhờ sư phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt khi gần về mùa lễ hội cuối năm. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt sẽ là những yếu tố mở đường cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới”, chuyên gia MBS lưu ý.

Nhìn chung, MBS cho rằng thị trường tháng 9 sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ ở trong nước, từ động thái quyết liệt nhằm giải quyết vấn đề về pre-funding, FTSE đánh giá nâng hạng, FED giảm lãi suất cho đến kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý III/2024 của các doanh nghiệp niêm yết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền chưa sẵn sàng nhập cuộc, VN-Index đỏ lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO