(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh, còn rủi ro trên thị trường bất động sản ngày càng lớn… đang góp phần hướng dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng nhích tăng

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2022, lãi suất liên ngân hàng đã tăng lên mức nền mới với lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 67 điểm cơ bản, 62 điểm cơ bản và 43 điểm cơ bản so với thời điểm cuối năm 2021 và đặc biệt trong tháng 2 lãi suất liên ngân hàng đã có những phiên tăng mạnh hơn 135 điểm cơ bản so với cuối năm trước. Tương tự như vậy, mặt bằng lãi suất huy động trong quý I/2022 cũng có xu hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng) và chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ, với biên độ tăng khoảng 0,5%.

Đà tăng tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2022. Số liệu cập nhật gần nhất cho thấy, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đề có chung diễn biến tăng, lần lượt ở mức 0,01%; 0,03% và 0,07% lên mức 2,12%; 2,27% và 2,52%/năm.

Báo cáo từ Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) cho thấy lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với mặt bằng chung năm 2021 với mức trung bình từ 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 - 12 tháng; từ 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13 - 24 tháng.

Tiếp đà tăng từ tháng 3/2022, lãi suất huy động trên thị trường 1 (khu vực tổ chức kinh tế và dân cư) tiếp tục có những điều chỉnh tăng tại một số ngân hàng trong những ngày gần đây, như: VPBank, MB, NamABank, Techcombank, VietCapitalBank,….

Ví như, VPBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn kể từ ngày 15/4, trong đó: kỳ hạn 36 tháng lãi suất huy động tăng thêm 0,6 - 0,8 điểm % lên 5,9% - 6,7%/năm. Đối với khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,8%/năm lên 5,9%/năm. Khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng, lãi suất tăng 0,6 điểm % lên 6,7%/năm. Hay kỳ hạn 24 tháng gửi tại quầy, lãi suất huy động của VPBank cũng tăng từ 5,1 - 6,1%/năm lên 5,8 - 6,6%/năm, tương đương tăng 0,5 -0,7%/năm/tùy vào số tiền gửi.

Trước đó, MB cũng đã tăng lãi suất trong tháng 4/2022. Ngân hàng này đã tăng 0,2 điểm % lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm. Hay ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất của MB đã tăng từ 6,4%/năm lên 6,6%/năm.

Thống kê từ thị trường cho thấy, nhiều ngân hàng đang có lãi suất trên 7% như NamABank, SCB, VietBank, VietABank, SHB…. Ví như: SCB với 7,6%/năm; NamABank với 7,4%/năm…. Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất cao này thì khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.

Với việc lãi suất huy động ngân hàng đang tăng lên, giới chuyên môn nhận định đây là điều dễ hiểu khi nhu cầu vay vốn đang tăng cao. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2022 đạt 5,04%. Diễn biến này cũng đồng nghĩa với việc chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm (từ mức 4,03% tính tới ngày 21/3/2022). Mức tăng 5,04% tới cuối tháng 3 cũng là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tín dụng tăng mạnh cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tăng lên đáng kể khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường.

Các chuyên gia của CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, sự mở cửa ổn định của nền kinh tế sau các tháng phong toả của năm 2021 nhờ tiêm phủ vaccine đã giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại. Sự hồi phục này cũng kéo theo nhu cầu về vốn cao hơn, làm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, qua đó khiến lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động nhích tăng.

Huy động vốn từ dân cư tăng mạnh

Các thống kê cho thấy, thay vì dịch chuyển sang các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản,... giống như năm 2020 và 2021, thì nay dòng tiền nhàn rỗi đã và đang quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê từ NHNN, tính đến cuối tháng 2/2022, tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt hơn 5,63 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,16% so với cuối năm 2021; tiền gửi của dân cư tăng 3,01% đạt hơn 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.000 tỷ đồng so với cuối tháng 1/2022 và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Như vậy, mức tăng tiền gửi của dân cư trong các tổ chức tín dụng của 2 tháng đầu năm nay còn lớn hơn mức tăng trong cả năm 2021 (chỉ hơn 158.600 tỷ đồng).

Bên cạnh những rủi ro đến từ những diễn biến trên thị trường bất động sản và chứng khoán thời gian gần đây, dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường đang tìm về kênh đầu tư an toàn như tiền gửi tiết kiệm. Khi lãi suất huy động được điều chỉnh tăng cũng là một lý do quan trọng giúp các ngân hàng thu hút dòng vốn này.

Dự báo về lãi suất năm 2022, trong báo cáo vừa công bố, Khối Phân tích Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã chạm đáy nên nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm 2022.

KB Việt Nam đưa ra 2 lý do cho nhận định trên, đó là: i) lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh; ii) nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Theo KB Việt Nam, định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được duy trì trong thời gian còn lại của năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi mà áp lực lạm phát là hiện hữu với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3,8%. Do vậy, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14% tương đương mức tăng trong năm 2021.

Với các thông điệp rõ ràng, nhất quán trong điều hành chính sách tiền tệ từ NHNN, giới chuyên môn cho rằng sẽ góp phần củng cố thêm niềm tin của thị trường vào hệ thống ngân hàng trong những tháng còn lại của năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO