Chứng khoán

Dòng tiền thận trọng tìm đường quay lại chứng khoán

Quỳnh Lê 22/05/2023 - 09:24

Thị trường chứng khoán tuần qua không thể bứt phá trước áp lực chốt lãi ở  vùng giá cao. Dòng tiền đã có sự cải thiện và bắt đầu quay lại với chứng khoán, tuy nhiên vẫn đang chờ những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được thông qua để bứt phá.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến giằng co trong tuần giao dịch vừa qua với chỉ số VN-Index dao động trong vùng 1.058 - 1.077 điểm và chốt tuần tại tại mức 1.067 điểm, gần như không đổi so với cuối tuần trước đó. Thị trường đi ngang và có 53% cổ phiếu và 11/19 ngành tăng điểm.

Ngành dầu khí và ngành điện tăng tốt nhờ giá dầu phục hồi và quy hoạch điện VIII được phê duyệt. Hóa chất và tài nguyên cơ bản giảm trên 2% với kết quả kinh doanh kém tích cực và chi phí đầu vào tăng cao. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện so với tuần trước đó.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCK VNDIRECT, dòng tiền trong nước đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt.

Dòng tiền đã có sự cải thiện, tuy nhiên để thị trường có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 - 1.100 điểm thì cần thêm những thông tin hỗ trợ từ chính sách trong nước. Cụ thể, nhà đầu tư đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Những chính sách này nếu được thông qua trong thời gian tới có thể là cú hích để chỉ số VN-Index thiết lập lại xu hướng tăng điểm và hướng đến các cột mốc cao hơn trong giai đoạn tới.

Ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng quanh 1.050 - 1.055 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và đang có sức mạnh giá trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí). Ngược lại, kháng cự mạnh của VN-Index là vùng 1.080 - 1.100 điểm. Nhà đầu tư lưu ý không nên mua đuổi giá cao nếu chỉ số VN-Index tiến sát đến vùng kháng cự kể trên.

Trong khi đó, SSI Research cho rằng, giữa bối cảnh đi ngang với dòng tiền duy trì tốt như hiện nay, thị trường có khả năng ghi nhận trạng thái luân chuyển của dòng tiền. Theo đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào những nhóm ngành đang hút tiền để tìm cơ hội giao dịch trong ngắn hạn. Đồng thời, cần lưu ý quản trị rủi ro tài khoản khi chỉ số VNIndex điều chỉnh về dưới ngưỡng hỗ trợ 1.054 điểm.

Có góc nhìn thận trọng hơn, CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, VN-Index nhiều khả năng đang tái tích lũy ngắn hạn sau một số phiên tăng điểm và diễn biến này cũng không có gì bất ngờ đặt trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường không quá dồi dào. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những phiên tăng giảm đan xen trong xu hướng đi lên zigzag một cách chậm rãi. Do đó, các nhà đầu tư cần quan sát diễn biến thị trường tương ứng với giai đoạn VN-Index giao dịch quanh vùng điểm 1.070 và tạm thời hạn chế gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trước khi xuất hiện phiên bùng nổ theo đà.

Trên thị trường Mỹ, thông tin về trần nợ Mỹ đang chi phối diễn biến thị trường. Chủ tịch Hạ viện nhận định tích cực về khả năng đạt thỏa thuận nâng trần nợ công Mỹ vào cuối tuần này đã giúp thị trường có những phiên tăng điểm tốt. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 2% và 4% trong tuần, đưa các chỉ số lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Thị trường châu Âu tiếp tục tăng 0,7% của EU600 và các thị trường chủ chốt Pháp và Đức tăng từ 1-2%. Diễn biến thị trường chứng khoán châu Á lại khá phân hóa trong khi thị trường chứng khoán Nhật tăng mạnh 4,8% thì các chỉ số khác phân hóa và tăng giảm nhẹ.

Thị trường hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng 1,5%, trong đó dẫn đầu từ giá dầu, gas tự nhiên và quặng sắt. 

Trong tuần tới ngoài việc quan tâm tới biên bản họp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thị trường sẽ tiếp tục theo dõi cuộc họp nợ công tại hạ viện Mỹ.

Dữ liệu kinh tế Trung Quốc tháng 4 công bố yếu hơn dự báo và cần thêm các chính sách để duy trì đà hồi phục kinh tế. Chỉ số sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định tăng lần lượt ở mức 5,6%, 18,4% và 4,7%. Số liệu này kém xa so với mức dự báo và cũng khá thất vọng so với mức nền thấp của năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giảm còn 5,2% tuy nhiên mối lo ngại ở tỷ lệ thất nghiệp giới trẻ tăng lên mức kỷ lục 20,4%.

Các chỉ tiêu đầu quý II này xác nhận đà hồi phục có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh thị trường bất động sản yếu, kinh tế gần mức giảm phát và người tiêu dùng thận trọng. Trung Quốc cần thêm các chính sách kích thích để duy trì đà hồi phục. Chính sách tiền tệ không đủ nâng đỡ niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp mà cần thêm các chính sách công nghiệp và tài khóa trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền thận trọng tìm đường quay lại chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO