Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” tổ chức mới đây, đại diện các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện công tác nhà ở xã hội, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong Đề án.
Những điểm sáng trong công tác triển khai Đề án
Thời gian qua, hướng đến thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và đã ban hành văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này. Đồng thời ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đến ngày 18/5/2023, 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị đã hoàn thành trên cả nước, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn và đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Cụ thể:
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: hoàn thành đầu tư xây dựng 7 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 5.314 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị: hoàn thành việc đầu tư xây dựng 34 dự án, quy mô xây dựng khoảng 14.202 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 201 dự án, quy mô xây dựng khoảng 161.227 căn hộ.
Kết quả đạt được là hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Cần phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Do đó, để chương trình thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan; tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân; cần bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án người dân có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các NHTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng.
Còn đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành cần phối hợp xem xét, hướng dẫn những nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định; nghiên cứu rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng; nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, việc xác định giá bán nhà ở xã hội…
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án, cụ thể như: tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nghiên cứu xây dựng các mẫu thiết kế nhà ở xã hội đảm bảo chất lượng, hiệu quả, giá thành hợp lý để người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở; rà soát, cập nhật bổ sung các cơ chế chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà ở xã hội cũng như đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bố trí ngân sách khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.