Dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), ngày 12/7/2024, Thời báo Ngân hàng tổ chức tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm OCOP vươn xa".
OCOP tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đây là chính sách tổng thể cấp quốc gia đầu tiên về OCOP nhằm phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng và lợi thế của các vùng miền, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên phạm vi cả nước. Để tiếp tục nhân rộng Chương trình, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, sau 5 năm thực hiện, hiện Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước, được xem là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Kết quả tính đến tháng 5/2024, cả nước đã có 12.758 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và 6.957 chủ thể OCOP.
Với vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP vươn xa. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các sản phẩm OCOP. Các ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt là Agribank – ngân hàng chủ lực trong cho vay tam nông - đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi, đặc thù cho từng ngành, lĩnh vực của nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.
Thông tin tại toạ đàm, ông Chu Ngọc Quý - Phó Trưởng ban khách hàng cá nhân Agribank cho biết, tính đến nay, Agribank đã đáp ứng hơn 500 tỷ đồng vốn tín dụng cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Đối với chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP mới triển khai 26/1/2024 đến nay đạt doanh số cho vay 101 tỷ đồng.
"Ngoài ra, Agribank đã chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ", ông Chu Ngọc Quý cho biết.
Đặc biệt, từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, trong đó chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 150.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng vốn.
Dòng vốn ngân hàng đã trở thành chất xúc tác quan trọng, góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Dù đạt được những kết quả tích cực, việc phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều điểm hạn chế, chưa thực sự đảm bảo tính bền vững. Nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc ở tại thị trường trong nước, chứ chưa nói đến xuất khẩu quốc tế. Sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP...
Tại tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung phân tích, thảo luận về những kết quả đã đạt được cùng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai OCOP tại các địa phương, từ đó đề xuất nhiều giải pháp đột phá để các sản phẩm OCOP không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả và phát triển bền vững, các chuyên gia khẳng định, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó hành lang pháp lý phải đi trước một bước.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Với các chủ thể OCOP, yêu cầu của thị trường, của kinh tế hàng hóa đã và đang đặt ra những đòi hỏi cho các chủ thể OCOP phải luôn có sự cải tiến mẫu mã sản phẩm, để phù hợp với tâm lý, thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của hoạt động truyền thông - báo chí nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng của chương trình OCOP, nâng cao ý thức của mọi người trong việc phát triển kinh tế nông thôn bền vững và bảo vệ môi trường.