Đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang ước đạt 110.997 tỷ đồng, tăng 8,74% so với cuối năm 2022. Trong đó: dư nợ tín dụng ngắn hạn là 86.921 tỷ đồng, chiếm 78,31%; dư nợ tín dụng trung, dài hạn là 24.076 tỷ đồng, chiếm 21,69%. Qua đó có những đóng góp quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Thông tin trên được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang đưa ra tại "Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp", do UBND tỉnh An Giang tổ chức. Hội nghị được tổ chức nhằm tạo sự gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và các định hướng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024.
Tham dự hội nghị đối thoại doanh nghiệp có: lãnh đạo UBND tỉnh Anh Giang; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, Cục Hải quan, Chi cục Thuế; và các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang…
Kinh tế - xã hội của tỉnh đạt những kết quả tích cực
Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, cùng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện năm 2023 tăng 7,34% (giá trị 115.285 tỷ đồng) so với năm trước (năm 2022 tăng 6,87%), đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2019 - 2023 cho thấy những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo. So với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tốc độ tăng GRDP năm 2023 của tỉnh xếp thứ 4/13 tỉnh (sau Hậu Giang tăng 12,27%, Trà Vinh tăng 8,25% và Cà Mau tăng 7,83%).
Đạt được kết quả nêu trên có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ doanh nghiệp và các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, chủ đầu tư tại buổi hội nghị hôm nay lãnh đạo UBND tỉnh muốn lắng nghe nhiều ý kiến của các doanh nghiệp để chính quyền địa phương cùng các sở, ban, ngành kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội tỉnh ngày một tăng trưởng.
Tại hội nghị ngoài những ý kiến của các doanh nghiệp, chủ đầu tư về chính sách thuế, thủ tục pháp lý quy hoạch về bất động sản… còn có ý kiến về chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp.
Hoạt động ngân hàng đạt nhiều kết quả tích cực
Báo cáo khái quát về hoạt động ngân hàng trên địa bàn tại hội nghị, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang Trần Minh Chánh cho biết, kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:
Về huy động vốn. Đến cuối tháng 12/2023, huy động vốn ước đạt 70.004 tỷ đồng, tăng 11,03% so cuối năm 2022. Trong đó, huy động vốn trên 12 tháng đạt 17.869 tỷ đồng, chiếm 25,53%/tổng vốn huy động. Về cơ cấu huy động vốn, tiền gửi tiết kiệm đạt 51.485 tỷ đồng, chiếm 74,69%. Tiền gửi thanh toán đạt 17.443 tỷ đồng, chiếm 25,31%.
Về tín dụng. Đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng ước đạt 110.997 tỷ đồng, tăng 8,74% so với cuối năm 2022. Trong đó: dư nợ tín dụng ngắn hạn là 86.921 tỷ đồng, chiếm 78,31%; dư nợ tín dụng trung, dài hạn là 24.076 tỷ đồng, chiếm 21,69%. Phân theo thị phần, chi nhánh các NHTM Nhà nước và có vốn chi phối của Nhà nước ước đạt 47.906 tỷ đồng, chiếm 43,16%; chi nhánh các NHTM cổ phần ước đạt 55.306 tỷ đồng, chiếm 49,83%; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ước đạt 4.941 tỷ đồng, chiếm 4,45%; Quỹ Tín dụng nhân dân ước đạt 2.773 tỷ đồng, chiếm 2,5%; Tổ chức Tài chính Vi mô CEF Long Xuyên đạt 71 tỷ đồng, chiếm 0,06%.
Phân theo tổ chức vay. Dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân là 27.751 tỷ đồng, với 1.445 hồ sơ tín dụng; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân là 83.246 tỷ đồng, với 297.777 hồ sơ tín dụng.
Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 55 của Chính phủ) đạt 67.921 tỷ đồng, tăng 5,61% so với cuối năm 2022, chiếm 63,59% tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 16.172 tỷ đồng, tăng 3,67% so với cuối năm 2022; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 14.159 tỷ đồng, tăng 8,53% so với cuối năm 2022.
Dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 26.903 tỷ đồng, tăng 9,11% so cuối năm 2022, với 1.445 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa có dư nợ tín dụng đạt 10.284 tỷ đồng, chiếm 38,23%, với 1.158 doanh nghiệp.
Các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 22 doanh nghiệp và 142 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.401 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 41,06 tỷ đồng.
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chi nhánh các NHTM trên địa bàn đã tích cực triển khai, đến nay đã thực hiện giải ngân hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình là 1.452 tỷ đồng, dư nợ tín dụng là 468 tỷ đồng cho 9 khách hàng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 8,86 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chính sách phục hồi tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết 11 và Nghị quyết 43 của Chính phủ thông qua tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện đến ngày 30/11/2023, đạt: (i) dư nợ cho vay học sinh sinh viên mua máy tính là 4,62 tỷ đồng, với 386 hộ thụ hưởng; (ii) dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 100/2015/NQ-CP ngày 20/10/2015 là 98,39 tỷ đồng, với 358 hộ; (iii) dư nợ cho vay các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là 0,56 tỷ đồng, với 11 hộ; (iv) dư nợ cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 11,05 tỷ đồng, với 204 hộ; (v) dư nợ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất là 0,04 tỷ đồng, với 1 doanh nghiệp.
Để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang đã 3 lần tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Thông qua các chương trình, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh An Giang đã thực hiện trả lời, giải quyết thỏa đáng những khó khăn vướng cho doanh nghiệp.
Thực hiện Công văn số 6936/NHNN-TD ngày 5/9/2023 của NHNN về việc tăng cường công tác tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ tín dụng. Được sự chấp thuận của UBND tỉnh An Giang tại Công văn số 5460/VPUBND-KTTH ngày 5/10/2023 về việc phối hợp triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng cường khả năng hấp thụ vốn tín dụng. NHNN chi nhánh tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác địa phương nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Về lãi suất cho vay, hiện tại lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước bằng VND đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,6 - 10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,0%/năm.
Dù đạt được những kết quả tích cực như trên, tuy nhiên, ông Trần Minh Chánh cũng cho biết, lĩnh vực tiền tệ - tín dụng đang đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm, đó là:
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng thấp không những so với cùng kỳ năm trước, mà còn thấp xa so với định hướng cả năm (14%). Tình trạng tăng thấp này được lý giải do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố lớn nhất là do nhu cầu vốn của nền kinh tế thấp, đơn hàng từ nước ngoài giảm, tổng cầu ở trong nước tuy có tăng lên nhưng còn yếu.
Thứ hai, lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm xuống nhưng vẫn còn cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận trước thuế của nhiều ngành nghệ còn thấp.
Thứ ba, nhiều khách hàng vay vốn không đáp ứng được các điều kiện vay của NHTM hoặc còn vướng mắc về pháp lý, mặc dù đã được cơ cấu lại nợ, giãn nợ… Nguyên nhân của tình trạng này là do sức khỏe doanh nghiệp suy yếu do sau dịch bệnh. Sau một thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay; một số khách hàng chưa kịp thời hồi phục sau giai đoạn dịch COVID-19 đã phát sinh nợ xấu/nợ quá hạn, nên các TCTD phải thận trọng trong quyết định cho vay do không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Phát biểu tại hội nghị, doanh nhân Lê Thị Phương Thảo, chủ cơ sở Dệt chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ Tân Phú Hưng huyện An Phú; và doanh nhân Phạm Thị Hồng Thu, cơ sở sản xuất xôi phồng Kim Hương ở huyện Chợ Mới tỉnh An Giang đề xuất được tiếp cận nguồn vốn tín dụng không có tài sản thế chấp theo Nghị định số 55 của Chính phủ để phát triển làng nghề truyền thống.
Trước đề xuất trên, ông Trần Minh Chánh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 14 chi nhánh Agribank loại II đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã thành lập các tổ vay vốn, với quy mô và số lượng tổ viên vay vốn phù hợp với khả năng quản lí của tổ trưởng. Hiệu quả hoạt động của tổ vay do Hội Phụ nữ thành lập luôn đảm bảo an toàn, nhanh chóng, chất lượng tín dụng tốt, chưa phát sinh nợ xấu. Với sự phối kết hợp nhịp nhàng chặt chẽ đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các thành viên, tránh được rủi ro phát sinh.
Do đó, với những món vay nhỏ của hai cơ sở dệt chiếu trên, đại diện NHNN chi nhánh tỉnh An Giang đề nghị trực tiếp liên hệ với Hội Phụ nữ địa phương để được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank theo Nghị định 55 của Chính phủ.
Qua hội nghị, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành sẽ có thêm nhiều thông tin, nắm rõ hơn về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án; các khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó, tổng hợp, báo cáo tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực để cộng cộng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án. Năm 2024, tỉnh sẽ duy trì thường xuyên hoạt động đối thoại để đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.