Đồng Yên chạm mức thấp mới ngay cả sau khi Nhật Bản can thiệp bằng lời nói

Hải Yến| 08/09/2022 17:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 7/9, đồng Yên tiếp tục giảm giá so với đồng đô la Mỹ (USD), đây là lần giảm thứ năm trong năm nay khi chính phủ Nhật Bản tăng cường can thiệp bằng lời nói nhằm ngăn chặn một đợt bán tháo đối với đồng tiền này.

Đồng tiền của Nhật Bản giảm xuống còn 144 Yên so với USD, mức yếu nhất kể từ năm 1998, bất chấp sự thay đổi ngôn từ của các quan chức Nhật Bản khi đưa ra những dấu hiệu mạnh mẽ nhất cho đến nay rằng họ có thể hành động nếu đồng tiền này tiếp tục trượt giá. Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết, động thái của đồng Yên nên ổn định và phản ánh các yếu tố cơ bản về kinh tế và kêu gọi sự ổn định trên thị trường tiền tệ. Ông nói với các phóng viên: “Chúng tôi lo ngại rằng sự giảm giá của đồng Yên chỉ là một phía. "Chúng tôi sẽ thực hiện hành động cần thiết nếu điều này tiếp tục." Tuy nhiên, ông từ chối bình luận khi được hỏi "hành động cần thiết" gồm những gì. Bộ trưởng Suzuki nói sau khi đồng Yên tiếp tục giảm giá ngay cả sau khi Chánh văn phòng nội các Hirokazu Matsuno bày tỏ “lo ngại” về động thái giảm nhanh của đồng Yên trước đó trong ngày và đưa ra cảnh báo tương tự về khả năng can thiệp.

Nhưng các nhà giao dịch cho rằng các nền tảng cơ bản đằng sau sự giảm giá của đồng Yên vẫn giống như đã có kể từ tháng 3, với khoảng cách ngày càng rộng giữa chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và lập trường cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). BOJ vẫn theo đuổi chính sách mua trái phiếu chính phủ với số lượng không giới hạn để giữ chi phí vay 10 năm dưới 0,25%, điều này đã tạo ra một khoảng cách lớn so với lợi suất trái phiếu của Mỹ hiện đang ở mức 3,3%.

Một dấu hiệu cho thấy áp lực trên thị trường tiền tệ châu Á đang lan rộng là đồng Won của Hàn Quốc cũng đã kéo dài mức sụt giảm trong phiên thứ năm liên tiếp vào ngày 7/9, chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, do ảnh hưởng bởi sự thắt chặt tiền tệ mạnh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và thâm hụt thương mại gia tăng của Seoul. Đồng Won đã giảm 0,9% xuống 1.389 Won/USD, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết, sự bất ổn ngày càng tăng trên thị trường tiền tệ là không mong muốn và các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ tình hình đề phòng bất kỳ hành vi “bầy đàn”. Ông nói thêm rằng đồng USD mạnh hơn là một hiện tượng toàn cầu và Hàn Quốc có đủ dự trữ tiền tệ để chịu bất kỳ cú sốc nào trên thị trường ngoại hối. Các cơ quan quản lý tài chính cũng đã gặp các quan chức ngân hàng trong nước để thảo luận về tình hình thị trường gần đây.

Những lo ngại về việc tăng lãi suất của Fed đã được củng cố bởi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn của Mỹ được công bố hôm 6/9, mà những người tham gia thị trường coi là dấu hiệu cho thấy chu kỳ thắt chặt lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục và do đó đặt cược vào đồng Yên vẫn là một giao dịch tương đối an toàn. Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm thứ Ba, Thomas Barkin, chủ tịch chi nhánh Richmond của Fed, cho biết ngân hàng trung ương Mỹ phải nâng lãi suất lên đến mức có thể hạn chế hoạt động kinh tế và giữ ở đó cho đến khi các nhà hoạch định chính sách được “thuyết phục” rằng lạm phát đang lắng xuống. Sự sụt giảm của đồng Yên vượt qua mức 144 Yên so với đồng USD vào hôm thứ Tư diễn ra sau khi các nhà phân tích cảnh báo vào hôm thứ Ba rằng có triển vọng thị trường sẽ sớm “kiểm tra” mức thấp nhất cuối những năm 1990 là 147 Yên/USD ngày càng lớn. Kể từ năm 1998, Nhật Bản đã không can thiệp thị trường tiền tệ thông qua bán đồng USD và mua đồng Yên.

Các nhà phân tích ngoại hối nói chung chống lại giả thuyết rằng các nhà chức trách Nhật Bản có khả năng can thiệp để hỗ trợ đồng Yên. Hành động đơn phương sẽ chỉ đem lại tác dụng hạn chế và cảnh tượng một nỗ lực thất bại trong việc chống lại thị trường có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư đầu cơ “điên cuồng kiếm ăn” sẽ đẩy đồng Yên xuống thấp hơn.

Trong khi các quan chức chính phủ tiếp tục khẳng định quan điểm của họ, Kenta Tadaide, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết những cảnh báo bằng lời nói mới nhất này vẫn yếu hơn so với hồi tháng 6, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Bộ Tài chính và Cơ quan Dịch vụ Tài chính đưa ra một tuyên bố hiếm hoi bày tỏ lo ngại về sự giảm giá mạnh của đồng Yên.

Ông Tadaide cho biết: “Các bình luận hôm nay nhằm báo hiệu sự can thiệp nhưng thị trường vẫn không nghĩ rằng họ sẽ có hành động như vậy” và cho rằng những nhận xét đó có thể đã thực sự đẩy nhanh đà trượt giá của đồng Yên khi các nhà giao dịch ngày càng tin rằng chính phủ không có khả năng can thiệp. Nhà phân tích Benjamin Shatil của JPMorgan nói rằng nếu những lời hùng biện xung quanh đồng tiền này vẫn không thay đổi, thì việc tiến tới mức 150 "không có vẻ là bất khả thi". Naohiko Baba, nhà kinh tế Nhật Bản tại Goldman Sachs cho biết, ngoài sự can thiệp bằng lời nói, chính phủ Nhật Bản và BoJ có khả năng đứng ngoài lề ngay cả khi đồng yên suy yếu hơn nữa, "do hiện tại có rất hạn chế các biện pháp đối phó hiệu quả".

(Nguồn: FT)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Yên chạm mức thấp mới ngay cả sau khi Nhật Bản can thiệp bằng lời nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO