Bất động sản

Dự án đã giải tỏa trên 70%, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi

Minh Đức 31/08/2023 07:52

Các quy định về vấn đề thu hồi đất; mở rộng đối tượng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp; đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số,... là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách quan tâm, cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp sáng ngày 30/8.

du-an-luat-dat-dai-sua-doi.jpg

Thu hồi đất bắt buộc cần những chính sách bền vững

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội nghị, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Hàng năm, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn diễn ra. Do vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những chính sách bền vững đối với các trường hợp thu hồi đất bắt buộc.

db-le-thanh-hoan.jpg
Ông Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Theo đó, tại Điều 79 của dự thảo Luật này cần quy định cụ thể các trường hợp cụ thể phải thực hiện thỏa thuận theo Điều 127. Đại biểu cho rằng, 2 phương án tại Điều 127 chưa thực sự rõ ràng và thỏa đáng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần bổ sung thêm nguyên tắc đối với việc thu hồi đất bắt buộc.

Về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng quy định của dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Khu tái định cư bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật gồm có đường giao thông đảm bảo kết nối giao thông, liên kết và khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt; hệ thống cấp thoát nước thông tin liên lạc; xử lý môi trường hạ tầng xã hội gồm đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao chợ, khu thương mại, dịch vụ và phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng miền.

dai-bieu-ho-thi-kim-ngan.jpg
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Tuy vậy, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn nhìn nhận quy định của dự thảo Luật gây khó khăn cho địa phương không có quỹ đất tái định cư trong quá trình thực hiện và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, việc xây dựng khu tái định cư đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật xã hội chỉ phù hợp với những dự án mà số hộ tái định cư khoảng từ 30 hộ trở lên. Đối với những dự án có số lượng hộ tái định cư ít mà phải xây dựng khu tái định cư có đầy đủ hạ tầng như dự thảo Luật thì sẽ khó khả thi.

Về vấn đề thu hồi đất đối với các dự án bị tắc nghẽn, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án.

dai-bieu-nguyen-anh-tri.jpg
Ông Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Đại biểu Trí nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn, các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể.

Về Điều 9 phân loại đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao Ban soạn thảo đã chú ý đến nhóm đất như đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, cơ sở lưu trú tro cốt có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên để thực hiện được, đại biểu đề nghị cần có những văn bản dưới luật hướng dẫn việc sử dụng quỹ đất này hiệu quả, trang trọng, đảm bảo vệ sinh, văn minh và nhân văn.

Cân nhắc nội dung về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Quan tâm tới nội dung về trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đối với chính sách về đất đai, hoạt động cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét lại nội dung này.

dai-bieu-duong-khac-mai.jpg
Ông Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Lý giải lý do, đại biểu Mai cho rằng, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khu vực vùng I, II hoặc các vùng lân cận, xã, các khu vực vùng III rất khó khăn trong việc bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng hưởng từ chính sách này.

Phát biểu tranh luận với đại biểu Dương Khắc Mai về đất cộng đồng, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc quy định đất cộng đồng trong dự thảo luật Đất đai là bước tiến lớn hướng tới bảo vệ đất dùng chung cho sinh hoạt cộng đồng, có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số, miền núi. Pháp luật về đất đai của nhiều nước trên thế giới cũng có những nội dung tương tự như quy định này.

dai-bieu-nguyen-lam-thanh.jpg
Ông Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Về quyền, nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất, đại biểu Thành đề nghị quy định các cộng đồng truyền thống có đất dùng chung được quyền góp vốn đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng hiệu quả kinh tế đối với cộng đồng này. Liên quan đến điều kiện chuyển đổi đất nông nghiệp, đại biểu cho rằng, cần làm rõ cách hiểu đối với việc chuyển đổi cùng phạm vi cấp tỉnh cho cá nhân khác, đồng thời, nhà nước cần thu thuế đối với đất giao.

Tranh luận với đại biểu Nguyễn Lâm Thành về Điều 16 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo xem xét nội dung các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các khu vực 1,2, lân cận vùng 3 gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí đủ đất sinh hoạt cộng đồng.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị mở rộng phạm vi, đối tượng để thụ hưởng chính sách này. Cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần đất sinh hoạt cộng đồng.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thì cho rằng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đất đai không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về tâm linh. Do vậy, cần phải quan tâm đến văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của đồng bào khi đưa ra các quy định về đất đai. Tại phiên họp, đại biểu Nghĩa đề nghị bổ sung nguyên tắc: Tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vào Điều 5 Dự thảo Luật làm cơ sở cho các chính sách quy định tại Điều 16.

dai-bieu-pham-trong-nghia.jpg
Ông Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Mở rộng đối tượng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp

Theo đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, về các quy định về chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa, Luật Đất đai hiện hành đã quy định thẩm quyền của Hội đồng dân cấp tỉnh trong việc chuyển đổi đất lúa và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định hạn mức và giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, theo Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm ABC lại được xác định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa; chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

dai-bieu-lo-thi-luyen.jpg
Bà Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Như vậy, theo dự thảo trình, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân, trong khi đó chưa có luật nào quy định rõ ràng. Đại biểu Luyến cho rằng quy định vậy sẽ gây khó khăn chồng chất cho địa phương. Vì vậy, biên tập, sửa đổi Điều 122 của dự thảo luật; đồng thời với thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật để tương thích với các luật khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Về việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, tại Khoản 6 Điều 45 của dự thảo Luật quy định tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận. Phương án sử dụng đất nông nghiệp phải thể hiện các nội dung: địa điểm, diện tích, mục đích sử dụng đất; kế hoạch sản xuất kinh doanh nông nghiệp; vốn đầu tư; thời hạn sử dụng đất; tiến độ sử dụng đất. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản này.

db-nguyen-van-huy.jpg
Ông Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Theo đại biểu Huy, việc quy định như vậy là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần thúc đẩy việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích và huy động được các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

db-pham-van-hoa.jpg
Ông Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Với đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất mà không trực tiếp canh tác, sản xuất, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị cân nhắc việc cho phép mở rộng đối tượng được chuyển quyền sử dụng đất mà không trực tiếp canh tác, sản xuất. Theo đại biểu, việc mở động đối tượng để tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng, nhưng có nhiều cá nhân lợi dụng chính sách này để đầu cơ, gây khó khăn cho những tổ chức có tâm huyết phát triển nông nghiệp.

Tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện giao đất dịch vụ

Phát biểu tại phiên làm việc, đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để giải quyết vướng mắc thực tiễn trong thực hiện giao đất dịch vụ trong Luật Đất đai lần này.

Nêu thực tế tồn tại, vướng mắc khi thực hiện giao đất dịch vụ, đại biểu Thành cho biết trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội hiện nay có 15 dự án thực hiện thu hồi đất nông nghiệp của người dân trong giai đoạn từ năm 2006 đến tháng 1/2009.

le-nhat-thanh.jpg
Ông Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Theo đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 của Chính phủ và Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ Quyết định số 19.081.098 ngày 28/6/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây và Quyết định số 18 ngày 29/9/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm có tồn tại vướng mắc hiện nay chưa giải quyết được cụ thể.

Theo quy định của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP quy định là hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho người bị thu hồi đất bằng việc giao đất, dịch vụ để làm mặt bằng sản xuất kinh doanh. Nếu không có đất thì hỗ trợ bằng tiền. Đồng thời, hộ gia đình bị thu hồi đất phải là 30% trở lên.

Tuy nhiên, theo quy định tại Quyết định số 1098 ngày 28/6/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây và Quyết định số 18 ngày 29/9/2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội thì chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bằng tiền và được giao đất dịch vụ cụ thể là được hỗ trợ tiền và được hỗ trợ bằng đất dịch vụ và hộ gia đình chỉ bị thu hồi đất từ 10% trở lên. Hiện nay thì Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai đã tạm thu tiền và tạm giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân được hưởng đất dịch vụ của 15 dự án nêu trên. Như vậy, chính sách của tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội qua các thời kỳ là không phù hợp với chính sách của Chính phủ.

Tiếp thu các ý kiến tâm huyết trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thời gian qua, ngay sau phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã làm việc không quản cuối tuần để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để kịp thời trình tại Hội nghị lần này bảo đảm chất lượng nhất.

vu-hong-thanh-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Về đất dùng chung cho cộng đồng hay được quyền góp vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để xử lý và cho rằng giao Chính phủ quy định và giao cho các địa phương xử lý sẽ phù hợp hơn do mỗi địa phương có quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau. Nếu quy định cứng trong luật này sẽ không bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các cơ quan thống nhất theo nguyên tắc có những chỉ tiêu loại đất cần phải quản lý chặt chẽ như đất lúa, đất rừng, đất quốc phòng rất an ninh để bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Các chỉ tiêu khác có thể là giao xuống cho quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn.

Ngoài ra, về các trường hợp thu hồi đất, thu hồi đất rừng do vi phạm, khu tái định cư tại các địa phương không có quỹ đất, các loại đất thực hiện nhà ở thương mại, quỹ phát triển đất hay các nội dung giải thích từ ngữ… trong thời gian tới Ủy ban Kinh tế sẽ cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp để rà soát kỹ từ đầu đến cuối, bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án đã giải tỏa trên 70%, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO