Giới phân tích dự báo, năm 2025, tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn hoặc đi ngang, trong khi đó, lãi suất cho vay có thể giảm tiếp còn lãi suất tiền gửi ổn định hoặc tăng nhẹ.
Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 15-16%
Báo cáo mới nhất của MBS Research đánh giá, mục tiêu tăng trưởng 14-15% năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là có thể đạt được sau tốc độ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và nhu cầu tín dụng cao hơn của quý IV. Nếu năm 2024 tăng trưởng tín dụng đạt 15% thì năm 2025, MBS Research kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15 - 16%.
Phân tích cụ thể hơn về lý do đưa ra dự báo này, MBS Research chỉ ra 2 yếu tố chính thúc đẩy hoạt động tín dụng năm 2025 gồm:
Một là, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025. Sự phục hồi này sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ cho phép NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025.
Hai là, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao. Việc giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, MBS Research cũng chỉ rõ các ngân hàng có thể có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025 là những ngân hàng sử dụng hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024. Các ngân hàng đã sử dụng hết hạn ngạch tín dụng cao vào năm 2024 sẽ có lợi thế cạnh tranh trong việc đảm bảo hạn ngạch tín dụng cho năm tài chính 2025.
Ngân hàng có tăng trưởng chi phí dự phòng và cải thiện chất lượng tài sản: Tăng tốc chi phí dự phòng vào năm 2024, cùng với cải thiện chất lượng tài sản sẽ giảm bớt áp lực của NPL (nợ xấu) tăng vọt vào năm 2025 khi tăng trưởng tín dụng bán lẻ phục hồi.
Cùng với đó là các ngân hàng có sự phục hồi mạnh mẽ của biên lãi thuần (NIM) vào năm 2024: Sự phục hồi mạnh mẽ của NIM vào năm 2024 sẽ cho phép các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi thế quan trọng trong việc mở rộng tín dụng vào năm 2025.
Trong khi đó, dù đánh giá triển vọng về kinh tế vĩ mô năm 2025 là rất tích cực, tuy nhiên, về tăng trưởng tín dụng, VCBS vẫn đưa ra dự báo thận trọng hơn. Theo đó, VCBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 dự kiến sẽ duy trì ở mức ổn định từ 12-14%, nhờ vào nhu cầu vốn tăng từ các doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân, cũng như sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ.
"NHNN sẽ tiếp tục điều hành một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là nguy cơ lạm phát và nợ xấu", VCBS nhận định.
Lãi suất huy động tăng nhẹ, lãi suất cho vay giảm tiếp
Đánh giá lại về diễn biến lãi suất năm 2024, MBS Research cho biết, lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4 khi lãi suất tiền gửi thấp dẫn đến việc rút dần tiền gửi của công chúng khỏi hệ thống ngân hàng. Xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn từ tháng 6, khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 3,4% vào cuối tháng 5 lên 6,1% vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng vượt xa tăng trưởng tiền gửi 2-3 lần đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh tăng lãi suất tiền gửi, với một số ngân hàng vượt quá 6%/năm tại một số thời điểm.
Tính đến cuối tháng 11, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại ở mức 5%, tăng 14 điểm cơ bản so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất tại các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.
Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và nhu cầu tín dụng bán lẻ yếu trong 6 tháng đầu năm 2024 đã khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong quý III/2024. Hơn nữa, Thông tư 06/2023/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay mới, thúc đẩy tính minh bạch. Chính sách này đã làm tăng cường cạnh tranh giữa các ngân hàng, góp phần làm giảm đáng kể lãi suất cho vay vào quý III.
Ngoài ra, tác động của cơn bão Yagi đã thúc đẩy các ngân hàng liên tục hạ lãi suất và tung ra các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân trong quý III. Tính đến ngày 23/12, lãi suất cho vay trung bình của 10 ngân hàng lớn nhất đã giảm 79 điểm cơ bản so với tháng 3/2024.
Từ kết quả đó, MBS Research kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định trong nửa đầu năm 2025 và cải thiện dần trong nửa cuối năm 2025 khi nhu cầu tín dụng tiêu dùng và bất động sản cải thiện .
VCBS thì kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động ổn định đi ngang khi quá trình hạ lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang bắt đầu và sẽ tiếp diễn. Với triển vọng tăng trưởng khả quan, lạm phát hoàn toàn nằm trong khả năng kiểm soát, tạo dư địa cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo các yếu tố ổn định.
Cùng với đó, nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình được dự báo không có sự biến động mạnh, các ngân hàng có thể tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức ổn định để duy trì khả năng cung ứng tín dụng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí vốn.
Mặc dù vậy, VCBS cũng lưu ý các yếu tố cần theo dõi như: áp lực tỷ giá, áp lực tăng lãi suất huy động vào cuối năm.
"Áp lực tỷ giá, nếu có, có thể khiến nhà điều hành sử dụng các công cụ điều tiết linh hoạt theo từng bước. Ngoài ra, áp lực tăng tại lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay; mặc dù vậy, chúng tôi nhận định áp lực này nếu có sẽ không lớn", báo cáo của VCBS nêu.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, VCBS cho rằng lãi suất cho vay vẫn sẽ duy trì ở ngưỡng thấp, tuy nhiên vẫn sẽ có sự phân hóa.
“Chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay vẫn được NHNN theo dõi sát sao thông qua các báo cáo lãi suất. Theo đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay trung bình tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Mặc dù vậy, biến động của lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng yếu có thể vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thậm chí phải chấp nhận một mức lãi suất cao hơn. Một số doanh nghiệp bất động sản có thể chịu yêu cầu khó khăn nhất định”, VCBS dự báo.