Các Hiệp hội ngành, nghề

Đường sắt tốc độ cao không phải triệt tiêu mà là bổ trợ cho đường hàng không

M.Đ 02/10/2024 - 10:32

Hàng không đang phải nỗ lực duy trì các chặng bay cự ly dưới 500 km, thường không có lợi nhuận. Do vậy, đường sắt tốc độ cao sẽ không triệt tiêu đường hàng không mà ngược lại, hai loại hình vận tải này sẽ bổ trợ cho nhau. Khi có đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, hàng không sẽ "nhường lại" các chặng ngắn cho đường sắt phát huy ưu thế.

thu-truong-bo-gtvt.jpg

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Danh Huy tại buổi họp báo do Bộ GTVT tổ chức để trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, diễn ra chiều ngày 1/10.

Trước lo ngại việc phát triển đường sắt tốc độ cao ưu tiên vận tải hành khách sẽ san sẻ thị phần của hàng không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, hiện nay, ngành hàng không đang phải nỗ lực duy trì các chặng bay cự ly dưới 500 km vì những chặng ngắn này thường không có lợi nhuận. Các hãng đang lấy lợi nhuận từ chặng bay dài bù lỗ cho chặng ngắn.

"Tình trạng mất cân đối này cũng đang diễn ra khi trên chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh vẫn có những chuyến xe vận tải khách chạy xuyên suốt bằng đường bộ. Nói cách khác, hàng không và đường bộ đang phải đảm nhận vận tải hành khách trên các cự ly không có ưu thế", Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, quá trình lập quy hoạch các lĩnh vực của ngành GTVT đã xem xét tiềm năng, lợi thế của từng phương thức để xây dựng kịch bản phát triển. Theo đó, đối với vận tải hành khách, cự ly ngắn (dưới 150km) ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình (150 - 800km) đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế; cự ly dài (trên 800km) thị phần chủ yếu thuộc về hàng không và một phần của đường sắt tốc độ cao.

"Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững. Đồng thời, sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông, giảm các hệ luỵ khác như giảm phát thải môi trường. Như vậy, không phải đường sắt tốc độ cao triệt tiêu đường hàng không mà hai loại hình vận tải này sẽ bổ trợ cho nhau. Khi có đường sắt cao tốc trên trục Bắc - Nam, hàng không sẽ "nhường lại" các chặng ngắn cho đường sắt phát huy ưu thế", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định.

Về mục tiêu hoàn thành năm 2035, Thứ trưởng Bộ GTVT thừa nhận Việt Nam chưa có kinh nghiệm làm đường sắt cao tốc, với các dự án hạ tầng, lâu nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án dự kiến giải phóng mặt bằng 3 năm nhưng kéo dài lên 5 - 6 năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án đặc biệt, sẽ được làm với quyết tâm chính trị cao nhất, huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước.

“Cơ quan thực hiện sẽ mời tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu trong nước, quốc tế cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc”, Bộ trưởng Nguyễn Danh Huy nói thêm.

Về nguồn vốn đầu tư, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao trên tinh thần tự lực tự cường, Bộ Chính trị và Trung ương đã quyết định không phụ thuộc vào nước ngoài, bởi vay bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải ràng buộc. Do vậy, Bộ xác định đầu tư công dựa trên các phương án cân đối nguồn vốn trong nước và vay vốn nước ngoài với điều kiện ưu đãi và ít ràng buộc, điều kiện lớn nhất là chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Về vấn đề lựa chọn công nghệ nước nào để làm đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay: Việc chọn công nghệ nước nào phụ thuộc vào điều kiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ra sao sau đó mới quyết định lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt tốc độ cao không phải triệt tiêu mà là bổ trợ cho đường hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO