(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các chuyên gia đánh giá, cơ chế xác thực điện tử (eKYC) sẽ thúc đẩy cho ngân hàng số phát triển trong thời gian tới.

5 ngân hàng eKYC đầu tiên

Ngân hàng Tiên phong (Tienphong Bank) một trong những ngân hàng đi đầu áp dụng hình thức xác thực khách hàng điện tử (eKYC) qua các máy LiveBank. Đối với người gửi tiết kiệm online chỉ cần đưa tiền mặt vào máy LiveBank, sau một số quy trình điện tử, hệ thống tổng đài của ngân hàng sẽ gọi điện lại cho người gửi tiết kiệm online đứng trước máy LiveBank để xác nhận hoàn thành một thủ tục gửi tiết kiệm online.

Những người trải nghiệm hình thức gửi tiết kiệm trên máy LiveBank cho rằng giao dịch trên máy không phải đến quầy giao dịch, không bị giới hạn ngày làm việc. Tuy nhiên, thời gian qua mô hình LiveBank vẫn phải nhập quá nhiều trường thông tin và thường có nhân viên của LiveBank đứng bên cạnh hỗ trợ mới hoàn tất một giao dịch gửi tiết kiệm online. Nhất là các giao dịch tự in thẻ tín dụng trên các LiveBank, người dùng phải đi qua rất nhiều trường thông tin để xác thực cá nhân điện tử mới có thể hoàn thành một giao dịch cấp thẻ cho người dùng.

Giao dịch điện tử không cần đến ngân hàng đang trở thành hiện thực

HDBank áp dụng eKYC vào tháng 8/2020 cho khách hàng mở tài khoản eMoney ngay trên ứng dụng của ngân hàng điện tử. Để hoàn tất một giao dịch người dùng nhập 3 trường thông tin, trong đó chỉ cần 1 trường thông tin số điện thoại bắt buộc, chụp CMND, xác thực khuôn mặt sẽ mở tài khoản ngay tức thì.

Theo số liệu thống kê của HDBank, trong tháng đầu tiên áp dụng eKYC số lượng khách hàng đăng ký tài khoản thông qua hình thức xác thực điện tử đã tăng trên 35,4 ngàn tài khoản mới. Số lượng khách hàng giao dịch thường xuyên tăng 40% trong đó 30% sử dụng dịch vụ topup điện thoại, 70% sử dụng thanh toán hóa đơn và các giao dịch thanh toán điện tử khác. Tổng doanh số giao dịch của HDBank đã tăng 25% trong tháng đầu tiên ứng dụng xác thực khách hàng từ xa.

Nếu như Tienphong Bank chỉ thực hiện giao dịch eKYC chỉ làm tại các máy LiveBank thì HDBank là một trong số 5 ngân hàng áp dụng eKYC đầu tiên trong hệ thống ngân hàng, cho phép người dùng thao tác ngay trên ứng dụng (App) ngân hàng điện tử thông qua việc chụp hình CMND và xác thực nhận diện khuôn mặt người giao dịch. Bên cạnh đó, Vietcapital Bank, MB cũng cho mở tài khoản có eKYC trên App, nhưng số trường thông tin khách hàng phải nhập nhiều hơn. Trong khi VPBank mở tài khoản áp dụng eKYC trên web hoặc web trong App của ngân hàng.

Không chỉ ngân hàng, 29 ví điện tử của các công ty trung gian thanh toán đã triển khai giải pháp eKYC để thực hiện xác thực danh tính khách hàng trước ngày 7/7/2020 để đáp ứng quy định của Thông tư 23/2019/TT-NHNN. Theo các nhà cung ứng ví điện tử, việc eKYC của các chủ ví điện tử đơn giản hơn ngân hàng, do hiện nay nguồn tiền trong ví điện tử vẫn đang được chuyển từ tài khoản ngân hàng sang là chính. Bên cạnh đó, thông tin mà chủ sở hữu ví điện tử cần phải cung cấp gồm: ảnh chụp mặt trước và sau CMND/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn cho các đơn vị quản lý ví điện tử để hoàn tất thủ tục xác thực tài khoản.

Cửa ngõ phát triển ngân hàng số

Theo giới chuyên gia, eKYC được xem là “cửa ngõ” để các ngân hàng triển khai ngân hàng số. Theo đó, eKYC là giải pháp nhận diện khách hàng một cách toàn diện, liên tục trong suốt quá trình quan hệ tài chính, tín dụng... giữa khách hàng cá nhân với các tổ chức tài chính (ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính…) thông qua việc đối soát mẫu vân tay trên CMND và dấu vân tay thực của khách hàng.

Hiểu đơn giản, thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tùy thân, e-KYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua AI, đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng...

 

eKYC được xem là chìa khóa giúp ngân hàng nâng cao trải nghiệm, dịch vụ khách hàng. Khách hàng không phải xếp hàng chờ đợi, không phải điền vào quá nhiều biểu mẫu, giấy tờ, khách hàng được phục vụ nhanh hơn khi được nhận diện và phân luồng hợp lý giữa các bàn giao dịch đáp ứng đúng nhu cầu giao dịch của khách hàng và không mất nhiều thời gian chờ đợi.

Theo đó, eKYC là hoàn toàn tự động trực tuyến. Điều này có nghĩa là dữ liệu eKYC có thể được truyền theo thời gian thực mà không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào. Quá trình xác minh bình thường dựa trên giấy có thể mất vài ngày đến vài tuần, nhưng quy trình eKYC chỉ mất vài phút để xác minh và phát hành. Nhờ vậy eKYC cũng tiết giảm được nhiều chi phí hoạt động cho các ngân hàng.

Hệ thống xác minh danh tính kỹ thuật số này cũng cho phép các ngân hàng tự động lưu trữ thông tin khách hàng, sau đó có thể được thêm vào các hệ thống như CRM để hợp lý hóa quy trình thiết lập tài khoản của họ. Từ dữ liệu lưu trữ hoạt động giao dịch của khách hàng, các ngân hàng có thể vẽ nên chân dung của khách hàng và dự đoán và đề xuất sử dụng dịch vụ cho khách hàng. Đó là một lợi ích nữa của eKYC mang đến cho ngân hàng nhằm phục vụ khách hàng của họ tốt hơn.

Bên cạnh đó, các thủ tục KYC hoạt động theo quy trình để đảm bảo khách hàng của họ là có thật, đánh giá và giám sát rủi ro. Các quy trình này giúp ngăn ngừa và xác định hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các chương trình tham nhũng bất hợp pháp khác. Ngoài ra, eKYC cũng giúp các ngân hàng nâng cao tính bảo mật, an toàn trong hoạt động, từ đó gia tăng lòng tin của người sử dụng vào dịch vụ ngân hàng số của các nhà băng. Bởi KYC cho phép tất cả các hồ sơ và dữ liệu được lưu trữ trực tuyến vĩnh viễn. Bất kỳ hành vi lạm dụng, thu lợi bất chính hoặc hoạt động bất hợp pháp xảy ra, đều có thể được truy trở lại cho cá nhân hoặc các bên liên quan đến các giao dịch hoặc sử dụng dịch vụ đó.

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN:

NHNN quản lý theo mục tiêu

e-KYC là điểm đầu tiên để bắt đầu ngân hàng số. Nhưng e-KYC có rất nhiều thứ, từ mở tài khoản, đánh giá khách hàng đến triển khai để làm hồ sơ DN. Ở đây chúng ta mới làm được e-KYC điện tử để mở tài khoản. Khi triển khai eKYC thấy rõ được lợi hai điểm. Một là ngân hàng ghi được toàn bộ nhân trắc học của khách hàng vào kho dữ liệu. Hai là với khuôn mặt của khách hàng định dạng không thể mở 2 tài khoản tại ngân hàng bằng hai tên khác nhau. Nhiệm vụ của các ngân hàng là triển khai giải pháp kỹ thuật để đảm bảo người thực hiện giao dịch khớp đúng với chủ tài khoản.

Tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là hơn ai hết, ngành Ngân hàng, đặc biệt là NHNN hoàn thiện hành lang pháp lý tốt nhất để cho phép ngân hàng triển khai các giải pháp mới thúc đẩy thanh toán số phát triển. Tuy nhiên, cách thức mà NHNN thực hiện hơi khác so với trước đây. Đó là NHNN không đưa ra quy định cụ thể mà quản lý theo mục tiêu. Chẳng hạn với Thông tư mới về eKYC, NHNN không xem xét từng chi tiết về vấn đề kỹ thuật, mà giao các Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT những người đại diện pháp luật cho các ngân hàng phải chịu trách nhiệm để xem xét giải pháp eKYC của mình với mục tiêu là đảm bảo an ninh an toàn mới triển khai...

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV:

Lựa chọn công nghệ để thuận tiện và hạn chế tối đa rủi ro

Việc lựa chọn và kết hợp các công nghệ nào để vừa thuận tiện, vừa tối ưu chi phí, mà vẫn đảm bảo an toàn cho khách hàng, hạn chế tối đa rủi ro cho khách hàng, là một bài toán không đơn giản cho mỗi ngân hàng khi triển khai eKYC. Tại các nước có cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia hoàn chỉnh, khi xác thực khách hàng bằng các kênh trực tuyến, các ngân hàng chỉ cần đối chiếu thông tin do khách hàng cung cấp với cơ sở dữ liệu quốc gia này để xác thực khách hàng. Trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia của Việt Nam chưa hoàn chỉnh như hiện nay, các ngân hàng có thể sử dụng kết hợp công nghệ nhận diện bằng sinh trắc học vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói hay tĩnh mạch… để xác thực và nhận diện chính xác khách hàng, bên cạnh việc tham chiếu với các hệ thống dữ liệu của các bên thứ 3 là công ty viễn thông, bảo hiểm xã hội, thuế…

Hiện tại, nhiều ngân hàng trong đó có BIDV cũng đã chuẩn bị kỹ càng về công nghệ và quy trình vận hành để áp dụng eKYC trên điện thoại thông minh nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đồng thời đảm bảo được các yêu cầu về an toàn và tuân thủ các quy định pháp lý. Bên cạnh đó, BIDV còn chuẩn bị hạ tầng để sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an chủ trì thực hiện và đang triển khai tự động, an toàn để nhanh chóng xác thực thông tin khách hàng một cách chính xác nhất.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Tienphong Bank:

Tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nữa

Trong quá trình triển khai eKYC tại Tienphong Bank cho thấy, việc xác thực danh tính khách hàng bằng máy móc thậm chí còn an toàn hơn là xác thực trực tiếp tại quầy. Với giao dịch trực tiếp tại quầy, việc phát hiện chứng minh thư giả mạo phụ thuộc vào khả năng của giao dịch viên, song nếu thực hiện eKYC, ngân hàng sẽ có nhiều công nghệ để kiểm tra nên độ chính xác cao hơn rất nhiều. Tại Tienphong Bank, thông qua eKYC, ngân hàng phát hiện có trường hợp khách hàng sử dụng tới 9 CMND khác nhau để đăng ký, dù cùng một ảnh. Tienphong Bank, đã áp dụng công nghệ gọi điện trực tuyến để đảm bảo xác thực định danh khách hàng, kiểm tra và xác thực giấy tờ liên quan như CMND ở mức cao bậc nhất và có hiệu quả tương đương gặp mặt trực tiếp.

Chẳng hạn, khi khách hàng chụp những thông tin của họ, sẽ có các ứng dụng để kiểm tra thông tin về nhân thân xem có đúng khách hàng đó không, so sánh khuôn mặt trên CMND đó với khuôn mặt được chụp thật và yêu cầu khách hàng có những cử động để đảm bảo không bị giả.

Hiện tại, eKYC mới chỉ tập trung nhiều vào đối tượng khách hàng trẻ và khách hàng biết về công nghệ. Nhưng dần dần tôi cho rằng khi hình thức này được triển khai phổ biến sẽ thuận tiện hơn cho các khách hàng nhất là khách hàng ở các vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có trụ sở của ngân hàng. Như vậy, cũng sẽ rất thuận lợi cho việc thúc đẩy tài chính toàn diện vừa thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, vừa gia tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng của nhóm khách hàng này.

Việc được chính thức hóa triển khai eKYC, ngân hàng hy vọng sẽ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nữa. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của việc triển khai eKYC đối với ngân hàng và khách hàng là tình trạng làm giả giấy tờ định danh cá nhân tại Việt Nam vẫn đang tồn tại phổ biến và ngày càng tinh vi với sự trợ giúp của công nghệ. Do cơ sở dữ liệu quốc gia để định danh cá nhân chưa được xây dựng hoàn thiện nên các ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi xác minh thông tin khách hàng. Vì vậy, nếu Chính phủ có cổng xác thực thông tin và dữ liệu mở để các ngân hàng khai thác thì có thể làm giảm tỷ lệ giả mạo thông tin.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:

eKYC là cổng chào để vào bất kỳ làn sóng công nghệ nào

Việc NHNN vừa ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có sửa đổi đáng chú ý về quy định rõ ràng về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại các TCTD bằng phương thức eKYC là hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho các ngân hàng. Nó như là cổng chào để chúng ta có thể vào bất kỳ làn sóng công nghệ nào.

Mặc dù vậy, bên cạnh tính đồng bộ của các nền tảng công nghệ thì tính pháp lý cũng phải chỉ đạo đồng bộ. Cụ thể, việc cho phép chia sẻ dữ liệu công nhận lẫn nhau được tiến hành như thế nào là cả một vấn đề không dễ dàng nên dứt khoát phải có hành lang pháp lý mới làm được. Chẳng hạn làm sao để các ngân hàng công nhận kết quả thẩm định xác nhận lẫn nhau, nếu không làm được mỗi ngân hàng một kiểu sẽ rất lãng phí. Tôi cho rằng, tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu định danh quốc gia chắc chắn phải thúc Bộ Công an làm nhanh hơn. Về vấn đề này chúng ta có thể tham khảo kinh nghiêm của Thái Lan. Nước này đã thuê công ty tư nhân làm định danh cá nhân toàn quốc theo hình thức hợp tác công - tư Chính phủ cho chủ trương cơ chế, tư nhân bỏ tiền làm. Trong vòng 3 năm họ làm gọn gẽ về định danh cá nhân cơ sở dữ liệu.

Ông Đào Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Vietcombank:

Sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia

Cho phép eKYC là điều kiện vô cùng quan trọng cung ứng dịch vụ hiện đại cho khách hàng. Việc có cơ sở dữ liệu chung quốc gia đang là mong muốn của các ngân hàng khi triển khai eKYC. Qua đó tạo thuận lợi cho ngân hàng có thể định danh một người công dân cũng như xác minh tình hình tài chính, thông tin liên quan của cá nhân đó khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trên cơ sở đó, ngân hàng đánh giá xếp hạng cung cấp dịch vụ đặc biệt là dịch vụ tín dụng. Ngân hàng hy vọng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia được Bộ Công an hoàn thành sớm nhất và ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, chuẩn bị mọi giải pháp để có thể sử dụng nguồn thông tin dữ liệu quốc gia ngay khi dự án được triển khai.

Liên quan đến câu chuyện an ninh bảo mật, hỗ trợ khách hàng giảm thiểu rủi ro, Vietcombank sẽ tiếp tục cập nhật khung khổ pháp lý quan trọng, hoàn thiện, đầu tư hệ thống công nghệ, an ninh để đảm bảo an toàn phương thức thanh toán, phối hợp với Bộ Công an, trao đổi thông tin chia sẻ kinh nghiệm giữa các ngân hàng.

Điều quan trọng nữa là ngân hàng tăng cường truyền thông cho khách hàng tự phòng tránh hành vi thủ đoạn lừa đảo. Nhận thức của người dân trong việc cảnh báo hành vi thủ đoạn lừa đảo. Tuy nhiên, theo tôi, đấy là trách nhiệm không chỉ riêng ngân hàng mà cần sự vào cuộc của các kênh truyền thông làm sao để khách hàng nhận thức rõ việc bên cạnh sử dụng các dịch vụ không dùng tiền mặt đặc biệt là qua kênh thanh toán điện tử, các khách hàng phải quan tâm đến bảo mật thông tin tránh việc để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt thông tin cá nhân, sau đấy là tài sản của mình.

Nhóm PV

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
eKYC mở đường cho ngân hàng số phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO