Biên bản cuộc họp định kỳ tháng 3 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) công bố mới đây cho thấy, các nhà hoạch định chính sách dự kiến hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay.
Biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã công bố quan điểm của các quan chức FED về những hậu quả tiềm tàng từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và những hỗn loạn khác trên thị trường tài chính bắt đầu xuất hiện từ tháng trước.
Dù cho ông Michael Barr, Phó Chủ tịch Giám sát FED khẳng định, ngành ngân hàng Mỹ "lành mạnh và vững vàng", các quan chức khác của ngân hàng trung ương vẫn cho rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
"Dựa trên đánh giá về tác động tiềm tàng của khủng hoảng ngân hàng lên nền kinh tế gần đây, tại thời điểm cuộc họp tháng 3, các quan chức dự đoán sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay và sẽ phục hồi trong hai năm tiếp theo", bản tóm tắt cuộc họp viết.
Bên cạnh đó, các quan chức FED dự kiến tăng trưởng GDP Mỹ sẽ chỉ đạt 0,4% cho cả năm 2023. Trong đó, FED chi nhánh Atlanta ước tính mức tăng trưởng nền kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2023 ở mức khoảng 2,2%. Điều này cho thấy khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tăng trưởng âm trong cuối năm.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng dẫn đến nhiều đồn đoán rằng FED có thể sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại, tuy nhiên các quan chức vẫn một mực giữa quan điểm ngân hàng trung ương cần phải mạnh tay hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Các quan chức của FOMC cuối cùng đã bỏ phiếu cho phương án nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, đánh dấu lần thứ 9 liên tiếp nâng lãi suất trong vòng một năm qua, đưa lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi mục tiêu là 4,75% -5%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Sau cuộc họp, dữ liệu lạm phát được công bố hầu hết phù hợp với các mục tiêu của FED và họ kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt hơn nữa.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát mà FED theo dõi nhiều nhất, chỉ tăng 0,3% trong tháng 2, giảm nhẹ so với mức tăng 0,6% của tháng 1. So với một năm trước, chỉ số giá PCE lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) tăng 4,6% trong tháng 2 và là mức tăng ít nhất kể từ tháng 10/2021.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI õi tăng 0,4% so với tháng 2 và tăng 5,6% so với một năm trước đó. Cả hai mức tăng này đều đạt đúng mong đợi của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, mối lo ngại về các điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn còn đè nặng, đặc biệt là về các vấn đề ngân hàng.
Đông thái tăng lãi suất diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi SVB, thời điểm đó là ngân hàng lớn thứ 17 ở Mỹ, phá sản. “Cú sập” của SVB cùng hai ngân hàng khác khiến FED tạo ra chương trình cho vay khẩn cấp mới và nới lỏng các điều kiện cho các khoản vay khẩn cấp để đảm bảo các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động.
Biên bản lưu ý, các chương trình khẩn cấp đã giúp ngành ngân hàng vượt qua khó khăn, tuy nhiên hoạt động cho vay sẽ thắt chặt hơn và các điều kiện tín dụng sẽ xấu đi.
Theo khảo sát do CME Group thực hiện, thị trường đặt cược khoảng 72% khả năng FED sẽ lãi suất sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5, trước khi xoay vòng chính sách và cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay.