Không nằm ngoài dự báo của thị trường, sau cuộc họp định kỳ tháng 3 kéo dài hai ngày (20 - 21/3), Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất và đồng thời phát tín hiệu vẫn sẽ hạ lãi suất nhiều đợt trong năm nay.
Giữ nguyên lãi suất lần thứ năm liên tiếp
Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp định kỳ tháng 3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tuyên bố giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi từ 5,25 - 5,5%. Đây là mức lãi suất mà ngân hàng trung ương đã duy trì kể từ tháng 7/2023.
Cùng với quyết định này, biểu đồ dot-plot cho thấy, các quan chức FED dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 0,75 điểm phần trăm trong năm nay, kéo dài 3 đợt với mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm. Đây dự kiến sẽ là đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020, thời điểm những ngày đầu của đại dịch COVID-19 xảy ra. Mức lãi suất hiện tại của FED là cao nhất trong hơn 23 năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau quyết định, Chủ tịch FED Jerome Powell không đưa ra giải thích chi tiết về thời gian bắt đầu cắt giảm lãi suất nhưng khẳng định, việc cắt giảm sẽ đến, miễn là dữ liệu kinh tế đủ điều kiện.
“Chúng tôi tin rằng, lãi suất chính sách của chúng tôi có thể đã đạt mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt và nếu nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như mong đợi, việc bắt đầu nới lỏng chính sách lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm nay có thể sẽ phù hợp. Chúng tôi cũng sẵn sàng duy trì phạm vi hiện tại lâu hơn nếu thích hợp”, ông Powell nói.
Ngoài đưa ra tín hiệu chính sách cho năm 2024, các quan chức FED còn dự báo lãi suất sẽ giảm 3 lần trong năm 2025, ít hơn 1 lần so với dự báo hồi tháng 12/2023. Đồng thời, năm 2026 dự kiến sẽ có 3 đợt giảm lãi suất và thêm 2 đợt trong tương lai để đưa lãi suất cơ bản về 2,6%. Đây là mức lãi suất mà FED cho là “trung lập”, không kích thích cũng không kìm hãm nền kinh tế.
Nâng dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát
Bên cạnh các quyết định về chính sách điều hành, dự báo triển vọng kinh tế của các nhà hoạch định chính sách cũng là điểm được thị trường quan tâm sau mỗi cuộc họp định kỳ.
Tại cuộc họp lần này, các thành viên của FED nâng dự báo về tăng trưởng GDP trong năm 2024 lên 2,1%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 1,4% đưa ra hồi tháng 12/2023.
Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo ở mức 4%, giảm nhẹ so với dự báo hồi cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, thước đo lạm phát yêu thích của FED, dự kiến tăng lên 2,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo lần trước.
Trong tháng 2/2024, PCE lõi của Mỹ ghi nhận mức 2,4%, còn tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9%.
Ngoài ra, các quan chức cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP hai năm tới. PCE lõi được kỳ vọng trở lại mục tiêu vào năm 2026, tương tự với dự báo hồi tháng 12/2023.
Tuyên bố sau cuộc họp của FOMC gần như giống với tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp hồi tháng 1/2024. Điểm khác biệt hiếm hoi là FED đánh giá thị trường việc làm vẫn tăng trưởng “mạnh”, khác với đánh giá “vừa phải” hồi tháng 1.
Từ đầu năm 2024, thị trường đã đặt nhiều kỳ vọng về khả năng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 3 và sẽ liên tiếp cắt giảm khoảng 7 lần trong năm nay. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã khiến kỳ vọng trên hạ nhiệt đáng kể.
Dữ liệu lạm phát cao hơn dự kiến khiến các quan chức hàng đầu của FED thận trọng và cuộc họp FOMC hồi tháng 1 đã kết thúc với việc ngân hàng trung ương tuyên bố, họ cần thêm bằng chứng cho thấy giá cả đang giảm tốc trước khi đạt được sự tự tin hơn vào lạm phát để bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Tuyên bố từ ông Powell và các nhà hoạch định chính sách khác kể từ đó đã nhấn mạnh tới cách tiếp cận kiên nhẫn và dựa trên dữ liệu trong việc đưa ra quyết định chính sách.
Bên cạnh lãi suất, tín hiệu về chương trình thu hẹp bảng cân đối kế toán của FED cũng được thị trường mong ngóng.
FED đã bắt đầu quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán từ tháng 6/2022, cho phép tung ra thị trường và không tái đầu tư 60 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 35 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS) hàng tháng. Quá trình này còn được gọi là “thắt chặt định lượng” và đến nay đã giảm 1.400 tỷ USD trong bảng cân đối của FED.
Sau khi quá trình này hoạt động được một năm rưỡi, nhiều tranh luận đang nổi lên về việc liệu ngân hàng trung ương có đánh giá sai mức độ có thể thắt chặt thanh khoản mà không làm khan hiếm dự trữ trong hệ thống tài chính hay không.
Chủ tịch FED Jerome Powell xác nhận, vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc họp nhưng không có quyết định tiềm năng nào được đưa ra về mức độ và thời gian liên quan đến giảm bảng cân đối kế toán.
"Mặc dù chúng tôi không đưa ra bất kỳ quyết định nào ngày hôm nay, nhưng các thành viên Uỷ ban đều có quan điểm chung rằng là sẽ là phù hợp nếu sớm giảm tốc dòng chảy trên bảng cân đối kế toán, cũng là phù hợp với các kế hoạch mà chúng tôi đã ban hành trước đó", ông Powell nói.