FED: Không cắt giảm lãi suất trong năm 2023, rủi ro lạm phát vẫn là tâm điểm

Hải Yến| 05/01/2023 16:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Không có quan chức nào của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nghĩ rằng việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2023 là thích hợp và các quan chức lo ngại việc nới lỏng các điều kiện tài chính có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc đưa lạm phát xuống mức mục tiêu.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của FED công bố ngày 4/1 cho thấy, các quan chức FED chào đón thông tin về dữ liệu lạm phát tháng 10 giảm đi, song nhấn mạnh rằng sẽ cần thêm nhiều bằng chứng về sự tiến bộ để tin chắc rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững.

Các quan chức lưu ý rằng FED sẽ cần duy trì “lập trường chính sách thắt chặt” cho đến khi dữ liệu mang lại niềm tin cho các thành viên ngân hàng trung ương rằng áp lực lạm phát đang giảm bớt.

Các quan chức cho rằng áp lực giá cả có thể dai dẳng hơn dự đoán, lưu ý rằng thị trường việc làm vẫn mạnh trong thời gian dài hơn dự đoán. Một số người cho biết dự báo trung bình của FED về lãi suất đạt đỉnh 5,1%, cao hơn kỳ vọng của thị trường, nhấn mạnh cam kết của FED trong việc giảm lạm phát.

Đối với câu hỏi của các nhà đầu tư: FED sẽ tăng lãi suất với liều lượng như thế nào trong các cuộc họp chính sách trong tương lai sau khi giảm tốc độ xuống 50 điểm cơ bản trong tháng 12, Biên bản cuộc họp cho thấy các quan chức FED sẽ đưa ra quyết định về việc tăng lãi suất trong tương lai dựa trên dữ liệu và tác động đối với lạm phát và tăng trưởng. 

"Các thành viên tham dự họp nhìn chung nhận thấy lập trường chính sách thắt chặt sẽ cần được duy trì cho đến khi dữ liệu cung cấp cho thấy niềm tin rằng lạm phát đang trên đà giảm xuống 2%, điều này có thể sẽ mất một thời gian", biên bản cho biết. "Trước mức độ lạm phát cao, dai dẳng, một số thành viên nhận xét, kinh nghiệm lịch sử đã cảnh báo về việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm."

Các quan chức đánh giá thị trường việc làm vẫn rất mạnh, ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp trong lịch sử, mức lương vẫn tăng mạnh, tỷ lệ vị trí tuyển dụng cao và mức tăng lương danh nghĩa cao. Một số người thấy có những dấu hiệu dự kiến ​​cải thiện tình trạng mất cân bằng trên thị trường lao động, bao gồm cả việc sụt giảm cơ hội việc làm và số người nghỉ việc trong nửa cuối năm 2022.

Các quan chức nhận thấy một số điều không chắc chắn xung quanh triển vọng lạm phát bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tiếp diễn và tác động của chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn khác trên toàn cầu.

Nhiều quan chức của FED cho rằng ngân hàng trung ương cần phải cân bằng được hai rủi ro: chính sách tiền tệ không đủ thắt chặt để giảm lạm phát và hiệu ứng trễ của chính sách tiền tệ có thể khiến FED phải thắt chặt hơn mức cần thiết.

Một số người đánh giá các rủi ro đối với triển vọng kinh tế đã được cân nhắc theo hướng giảm, lưu ý đến khả năng lạm phát dai dẳng hơn có thể có nghĩa là lãi suất phải cao hơn, làm giảm tốc độ tăng trưởng.

FED đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào giữa tháng 12 lên mức 4,25% - 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Động thái này đánh dấu sự chậm lại về tốc độ sau chuỗi 4 lần tăng lãi suất với 75 điểm cơ bản từ tháng 6 đến tháng 11 - giai đoạn căng thẳng nhất kể từ những năm 1980.

Tháng trước, Fed đã dự đoán rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt đỉnh ở mức 5,1% vào cuối năm 2023. Chủ tịch FED Jerome Powell đã gợi ý rằng lãi suất này có thể phải tăng cao hơn trong cuộc họp báo ngày 14/12 và nói rằng “lập trường chính sách của chúng tôi vẫn chưa đủ thắt chặt.”

Chủ tịch FED tại khu vực Minneapolis, Neel Kashkari, một thành viên bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) cho biết, ông nghĩ là FED tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm từ mức hiện tại là 4,2 - 4,5% lên mức 5,4% và sau đó “nhấn nút tạm dừng”.

Theo Yahoo Finance
Copy Link
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
FED: Không cắt giảm lãi suất trong năm 2023, rủi ro lạm phát vẫn là tâm điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO