Sau cuộc họp định kỳ ngày 2-3/5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu đợt tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, đồng thời phát đi tín hiệu chu kỳ thắt chặt tiền tệ đi hồi kết.
Tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp
Đúng như dự đoán của thị trường tất cả thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đều nhất trí nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên phạm vi 5 - 5,25% trong cuộc họp định kỳ tháng 5.
Đây là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho hoạt động cho vay qua đêm, nhưng cũng sẽ tác động tới các sản phẩm cho vay khác như cho vay thế chấp, cho vay mua xe và thẻ tín dụng. Mức lãi suất 5 – 5,25% là mức lãi suất cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 8/2007.
Quyết định nâng lãi suất đã được dự đoán trước, thị trường tập trung nhiều hơn vào những tuyên bố của FED để tìm thấy tín hiệu về điểm dừng của lộ trình tăng lãi suất, đặc biệt là trong bối cảnh những lo ngại về tăng trưởng kinh về và cuộc khủng hoảng ngân hàng bủa vây phố Wall.
Tại họp báo sau khi quyết định, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, quyết định tạm dừng thắt chặt tiền tệ đã không được đưa ra lần này song sự thay đổi ngôn từ trong tuyên bố xung quanh quyết sách trong tương lai là "có ý nghĩa".
Trong tuyên bố, FED đã bỏ đi dòng chữ nói rằng "Ủy ban kỳ vọng một số sự thắt chặt chính sách bổ sung có thể hợp lý" để đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
Thay vào đó, FED phác thảo các điều kiện để "triển khai thắt chặt chính sách bổ sung". Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách "sẽ tính tới tác động tích lũy từ các động thái thắt chặt tiền tệ, độ trễ của chính sách tiền tệ và diễn biến kinh tế, tài chính Mỹ" để ra quyết định thắt chặt thêm hay không.
Tựu chung, tuyên bố của FED phát đi tín hiệu, các chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn sẽ được duy trì, song lộ trình tăng lãi suất sắp tới sẽ còn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và điều kiện tài chính.
Thắt chặt tín dụng
Quyết định nâng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ mất đà tăng trưởng. Nhiều nhà lập pháp đến từ Đảng Dân chủ liên tục thúc giục FED ngừng tăng lãi suất khi môi trường lãi suất cao đang gây ra suy thoái kinh tế và làm mất việc làm.
Tuy nhiên, thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ kể từ khi chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2022. Đồng thời, lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra.
"Lạm phát đã được kiểm soát phần nào kể từ giữa năm ngoái, tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tăng cao và quá trình kéo giảm lạm phát trở lại mức 2% còn một chặng đường dài phía trước”, Chủ tịch FED lưu ý.
Tuyên bố từ cuộc họp tuần này cũng nhắc lại rằng tăng trưởng kinh tế là "khiêm tốn" trong khi "tăng việc làm mạnh mẽ" và lạm phát là "tăng cao".
Cùng với lạm phát, FED còn đã phải đối phó khủng hoảng ngân hàng khi đã có tới ba ngân hàng tầm trung của Mỹ đóng cửa từ tháng 3 cho đến nay.
Mặc dù các quan chức ngân hàng trung ương khẳng định toàn bộ ngành tài chính vẫn ổn định, song cũng cảnh báo "các điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp có khả năng đè nặng lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát”. Tuyên bố này tương tự như tuyên bố được FED đưa vào hồi tháng 3, ngay sau sự sụp đổ của Silicon Valey Bank và Signature Bank.
Bình luận về sự kiện JPMorgan Chase tiếp quản First Republic Bank, ông Jerome Powell cho rằng rằng, đây là một giao dịch "ngoại lệ". Mặc dù không phải là phương án lý tưởng, nhưng giao dịch trên vẫn đem lại "kết quả tốt" cho hệ thống ngân hàng.
Trong khi môi trường lãi suất cao hơn khiến các vấn đề trong ngành ngân hàng trở nên phức tạp, các quan chức FED vẫn khẳng định họ tập trung hoàn toàn vào lạm phát.
Các dữ liệu gần đây đã cho thấy có sự điều chỉnh đối với giá cả. Mặc dù các như chi phí thiết yếu như chi phí thuê nhà hay chăm sóc y tế vẫn đang tăng cao, thì giá các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng cho thấy sự giảm tốc, theo tính toán của FED chi nhánh Atlanta.
Ngoài ra, về thị trường lao động, theo dữ liệu ADP công bố hôm 3/5, tuyển dụng tại khu vực tư nhân đã tăng 296.000 trong tháng 4, vượt xa kỳ vọng của các nhà kinh tế. Điều này cũng đóng vai trò là một tín hiệu tiềm năng rằng đối với tất cả những nỗ lực của FED nhằm hạ nhiệt nhu cầu lao động và điều chỉnh sự mất cân bằng cung - cầu.