Nhìn ra thế giới

Fitch Ratings: Các nước mới nổi trong đó có Việt Nam đang có cơ hội lớn để thâm nhập sâu chuỗi cung ứng

Ngọc Diệp 07/12/2023 06:31

Mexico và Việt Nam rõ ràng là những đối tượng hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển của dòng chảy thương mại Mỹ, cả hai nước này đều tăng được thị phần xuất khẩu vào Mỹ trong vài năm trở lại đây, Fitch Ratings phân tích.

Hoạt động đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc mang đến cơ hội lớn chưa từng có cho một số nước mới nổi để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời gia tăng và đa dạng năng lực sản xuất, theo nhận định được đưa ra mới đây trong báo cáo của Fitch Ratings.

Theo phân tích của Fitch Ratings trong báo cáo vừa được công bố ngày hôm nay (6/12) có tên "Emerging Markets to Benefit from Supply Chain Diversification" , vị trí địa lý gần Mỹ của Mexico cũng như lợi thế cạnh tranh về chi phí của Việt Nam giúp hai nước này trở thành nước hưởng lợi lớn nhất từ sự thay đổi của chính sách thương mại Mỹ.

Hai nước có thể xuất khẩu thêm hàng hóa sang Mỹ và vì vậy dư địa của sản xuất cũng sẽ trở nên lớn hơn. Mexico trở thành đối tác thương mại chính của Mỹ trong năm 2023, vượt qua Canada và Trung Quốc. Xuất khẩu tăng cao và dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đã hỗ trợ cho xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vài năm gần đây.

Khu vực Trung Mỹ nhiều khả năng cũng hưởng lợi từ chiến lược dịch chuyển địa điểm sản xuất của một số nước phát triển. Tuy nhiên quy mô kinh tế nhỏ của khu vực này hạn chế năng lực hấp thụ các dự án đầu tư quy mô lớn, chính vì vậy đầu tư sẽ chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định. Costa Rica có thể chứng kiến FDI vào mạnh bởi xét đến việc lĩnh vực sản xuất giá trị gia tăng cao và hạ tầng tốt hơn.

Việc quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây đối diện với nhiều thách thức đã khiến cho nhu cầu đa dạng địa điểm sản xuất trở nên lớn hơn. Nước Mỹ vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư trong bối cảnh chính trị gia hai đảng đang đồng thuận hướng đến quan điểm cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong quan hệ chính trị và kinh tế.

Xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc chịu chi phối bởi chiến lược điều chỉnh lại địa điểm sản xuất theo hai hướng: (nearshoring - chuyển địa điểm sản xuất sang gần nhất với thị trường tiêu thụ) hoặc (friendshoring - chuyển địa điểm sản xuất sang nước đồng minh chính trị hoặc chia sẻ nhưng giá trị chung).

Dấu hiệu đằng sau những hiện tượng này đã thể hiện trong tỷ trọng của các nước trong tổng quan thương mại Mỹ nói chung, tuy nhiên trên thực tế chưa dẫn đến thay đổi đáng kể của dòng vốn FDI.

0612fitch.jpg
Sự thay đổi dần dần trong tỷ trọng nhập khẩu của một số nước bạn hàng lớn vào Mỹ



Mexico và Việt Nam rõ ràng là những đối tượng hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển của dòng chảy thương mại Mỹ, cả hai nước này đều tăng được thị phần xuất khẩu vào Mỹ trong vài năm trở lại đây. Fitch Ratings cho rằng, ngoài hai nước này sẽ có nhiều nước khác hưởng lợi bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Costa Rica, Ba Lan và Rumani.

Tuy nhiên, Fitch Ratings tin chu kỳ đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ chỉ diễn ra dần dần bởi Trung Quốc hiện vẫn đang sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh sẽ giúp Trung Quốc giữ được vị thế trung tâm sản xuất và một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoạt động thoái vốn đầu tư hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc, theo quan điểm của Fitch Ratings, khó xảy ra bởi điều này là khó và tốn kém với các tập đoàn toàn cầu. Thay vào đó, dòng vốn sẽ chứng kiến sự dịch chuyển một phần ra ngoài Trung Quốc sang các thị trường khác.

Trong nhóm các nền kinh tế châu Á khác, thị trường tiêu dùng Ấn Độ ngày một tăng trưởng mạnh và lực lượng lao động quy mô lớn sẽ có thể giúp Ấn Độ trở thành một địa điểm thay thế cho Trung Quốc.

Cùng lúc đó, nguồn tài nguyên khoáng sản tốt của Indonesia có thể khuyến khích dòng vốn FDI vào lĩnh vực xe và pin điện, cùng lúc đó Malaysia cũng đang thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ.

Nhóm nước mới nổi châu Âu hưởng lợi từ vị trí địa lý gần các nền kinh tế lõi của khu vực đồng tiền chung châu Âu nhờ vào chất lượng hạ tầng và lợi thế lực lượng lao động. Nhóm các nền kinh tế Trung và Đông Âu đã hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chính vì vậy bổ sung thêm giá trị tốt vào xuất khẩu và đồng thời thu hút thêm đầu tư vào nhiều lĩnh vực như bán dẫn hay ô tô. Một phép thử quan trọng chính là liệu các nền kinh tế có duy trì được năng suất lao động cao và vượt qua những rào cản nhân khẩu.

Một số chỉ tiêu về kinh tế, tài khóa, và cấu trúc trong mô hình đánh giá của mô hình xếp hạng tín nhiệm quốc gia bởi các nước này hưởng lợi từ xuất khẩu tăng cao và dòng vốn FDI điều chỉnh. Kết quả, xếp hạng tín nhiệm của một số quốc gia có thể được điều chỉnh tăng. Dù vậy, mức độ cụ thể sẽ còn tùy thuộc vào quy mô, thời điểm và mức độ ảnh hưởng.

Những diễn biến gần đây trên thế giới đã bộc lộ rõ những rủi ro của việc tập trung quá nhiều chuỗi cung ứng ở một số vị trí địa lý nhất định. Các chính sách kiểm soát COVID-19 đã ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa tức thời và cả cuối cùng. Căng thẳng Nga – Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa và gây ra cú sốc lạm phát toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng để thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, diễn biến này mang đến cho một số nền kinh tế mới nổi cơ hội lớn để gia nhập mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất.

Theo Báo cáo Fitch Ratings
Copy Link
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Fitch Ratings: Các nước mới nổi trong đó có Việt Nam đang có cơ hội lớn để thâm nhập sâu chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO