Hoạt động ngân hàng

Fitch Ratings công bố nhận định tích cực về triển vọng tín dụng và GDP Việt Nam

Ngọc Diệp 30/11/2023 - 21:23

Fitch Ratings tin khi các yếu tố vĩ mô cải thiện, môi trường hoạt động của các ngân hàng vì vậy cũng tốt hơn, tăng trưởng tín dụng của năm 2024 có thể cao hơn đáng kể so với năm 2023.

Fitch Ratings công bố nhận định tích cực về triển vọng tín dụng và GDP Việt Nam

Hôm nay (30/11), Tổ chức Xếp hạng Tín nhiệm Fitch Ratings công bố báo cáo mới nhất về ngành Ngân hàng Việt Nam có tên “Vietnam Banks: Peer Reviews 2023” trong đó có đưa ra một số nhận định về tình hình vĩ mô cũng như diễn biến của ngành Ngân hàng trong năm tới.

Nhóm các ngân hàng mà Fitch Ratings đưa vào đánh giá trong báo cáo này bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB).

Môi trường hoạt động có nhiều yếu tố tích cực

Fitch Ratings dự báo môi trường hoạt động của các ngân hàng Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong vài năm tới khi tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều diễn biến tích cực. Rủi ro tín dụng và thanh khoản liên quan đến lĩnh vực bất động sản giảm đi.

Tăng trưởng kinh tế cao, triển vọng lợi nhuận sáng sủa củng cố cho sức mạnh độc lập (Viability Rating - VR) dù rằng trong ngắn hạn chất lượng tài sản vẫn là thách thức.

Theo tính toán của Fitch Ratings, kinh tế Việt Nam năm 2023 có diễn biến không đạt kỳ vọng của Fitch. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ sau khi tăng trưởng 8% trong năm 2022. Tuy nhiên với năm 2024, Fitch Ratings dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% nhờ vào nhu cầu hàng hóa toàn cầu cải thiện cũng như các áp lực nội địa giảm bớt.

Nhóm các ngân hàng do Fitch xếp hạng hiện vẫn vững vàng trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn và kinh tế suy giảm tạm thời. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm giảm tốc xuống mức 9,9%.

Fitch Ratings tin rằng các quyết sách quyết liệt của cơ quan quản lý đã giúp kiềm chế tốt rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng. Tình trạng thắt chặt thanh khoản từng khiến cho chi phí vốn của các ngân hàng tăng vọt vào thời điểm cuối năm 2022 giờ đây đã hạ nhiệt, rủi ro tín dụng trong ngưỡng kiểm soát được, nợ xấu (NPL) sẽ đi ngang trong năm 2024 khi mà tăng trưởng khoản vay cao hơn.

Xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của nhóm năm ngân hàng mà Fitch Ratings xếp hạng được đánh giá tích cực bởi nó phản ánh cho triển vọng tín nhiệm tích cực của Việt Nam. Chỉ duy nhất xếp hạng của ACB chịu ảnh hưởng bởi hồ sơ tín dụng của ngân hàng này.

3011nganhang-9531.jpg
Xếp hạng của Fitch Ratings với một số ngân hàng

Môi trường hoạt động cải thiện nhiều khả năng sẽ giúp điểm hồ sơ doanh nghiệp tăng cao, kết quả VR của một số ngân hàng cải thiện. VR của nhóm các ngân hàng bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) sẽ có thể được cải thiện nếu tỷ lệ vốn nòng cốt của nhóm ngân hàng này cải thiện.

Sự chững lại của năm 2023 sẽ không kéo dài lâu

Fitch Ratings tin rằng sự chững lại của GDP năm 2023 với nguyên nhân quan trọng từ việc thị trường bất động sản tăng trưởng giảm tốc gây tổn hại đến niềm tin người tiêu dùng và ngành dịch vụ sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở ngưỡng ổn định, nhiều chỉ báo kinh tế khác vẫn cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Fitch Ratings tin tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng tốc lên 6,3% trong năm 2024 và 7,0% trong năm 2025.

Bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và các yếu tố căn bản dài hạn của kinh tế Việt Nam hiện vẫn thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng như toàn ngành ngân hàng hiện vẫn tích cực.

Tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chững lại còn 9,9%, thấp hơn so với mục tiêu 14 đến 14,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Trong nửa đầu năm 2023, lãi suất cao gây tổn hại đến nhu cầu tín dụng.

3011nganhanga-5068.jpg
Tình trạng thắt chặt thanh khoản ngân hàng giảm bớt khi lãi suất liên ngân hàng giảm

Tuy nhiên từ tháng 3/2023, SBV đã hạ lãi suất chính sách, chính phủ đồng thời đưa ra biện pháp kích thích tài khóa cũng như nhiều chương trình hỗ trợ nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng. Lãi suất liên ngân hàng sau đó giảm sâu, tăng trưởng tín dụng tăng lên trong những tháng gần đây. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 được Fitch Ratings dự báo trên ngưỡng 11% và đạt mức 14% trong năm 2024.

Rủi ro chất lượng tài sản giảm

Fitch Ratings tin rằng chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ cải thiện trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới khi điều kiện kinh tế cải thiện cũng như áp lực trong lĩnh vực bất động sản giảm đi. Tình hình thanh khoản nới lỏng trong hệ thống năm vừa qua giúp người có nhu cầu vay tiền dễ tiếp cận tín dụng hơn. Không chỉ vậy, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực đảo chiều chu kỳ nâng lãi suất.

Tình hình nợ xấu có thể có những biến động, thế nhưng dự trữ các ngân hàng sẽ được củng cố tốt hơn trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới cùng với chất lượng tài sản ngân hàng.

Chi phí tiền gửi cao trong quý I/2023 đã dẫn đến thu nhập lãi thuần (NIM) của nhóm năm ngân hàng thu hẹp trong xu thế chung. Tuy nhiên, áp lực này đang giảm đi, Fitch Ratings tin NIM của nhóm năm ngân hàng này sẽ ghi nhận sự chênh lệch trong năm tới khi mà một số ngân hàng gia tăng cho vay các khoản tiêu dùng có lãi cao tính trong tương quan với tổng danh mục cho vay. Nhóm các ngân hàng này cũng có thể kiểm soát tốt chi phí hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Fitch Ratings công bố nhận định tích cực về triển vọng tín dụng và GDP Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO