Hoạt động ngân hàng

Thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

P.V 27/11/2023 - 11:41

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 2163/QĐ-NHNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của NHNN.

nhnn-24.6-1.jpg
Thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Theo đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm 12 thành viên do bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN là Trưởng ban; ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN là Phó Trưởng ban thường trực; bà Phạm Thị Lan Anh - Phó Chánh Văn phòng là Phó Trưởng ban; các Ủy viên là Thủ trưởng một số đơn vị thuộc NHNN gồm: Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Truyền thông; Vụ Quản lý ngoại hối; Vụ Tài chính - Kế toán; Cục Công nghệ thông tin; Thời báo Ngân hàng; Văn phòng NHNN.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo triển khai các chủ trương và giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hàng năm của NHNN; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của NHNN, các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thống đốc có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Thống đốc, tập thể lãnh đạo NHNN xem xét, quyết định;

Đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước và Chỉ số hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ công do Ngân hàng Nhà nước cung cấp;

Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của NHNN;

Được quyền yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao và cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; được sử dụng con dấu của NHNN để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 6 tháng một lần và họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Văn phòng là đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO