Thứ Sáu, 9/5/2025
Tỉnh thành khác
Trong bối cảnh giá hạt tiêu trong nước đang điều chỉnh giảm do tác động từ vụ thu hoạch mới và tâm lý lo ngại về chính sách thuế từ Hoa Kỳ, các chuyên gia và hiệp hội ngành hàng vẫn kỳ vọng thị trường hồ tiêu sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại nhờ yếu tố cung cầu toàn cầu đang nghiêng về phía người bán.
Giá hạt tiêu trong nước điều chỉnh giảm mạnh
Theo ghi nhận từ thị trường trong nước, ngày 22/4/2025, giá hạt tiêu tiếp tục giảm từ 500 – 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó, hiện dao động quanh mức 154.000 – 155.000 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK), Bộ Công Thương, trên thị trường nội địa, giá hạt tiêu trong những ngày đầu tháng 4/2025 đã đồng loạt giảm ở tất cả các vùng trồng chính so với cùng kỳ tháng trước. Tại các vùng trồng trọng điểm như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước và Đồng Nai, mức giá dao động từ 147.000 – 148.000 đồng/kg, thấp hơn đáng kể so với cuối tháng 3. Đắk Nông ghi nhận mức giảm sâu nhất, tới 14.000 đồng/kg, xuống còn 148.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chính của đợt giảm giá này là do nguồn cung trong nước tăng mạnh khi bước vào chính vụ thu hoạch. Ngoài ra, tâm lý lo ngại của nông dân và thương lái về khả năng tiêu thụ trong tương lai, trước thông tin về việc Hoa Kỳ có thể điều chỉnh chính sách thuế đối với hạt tiêu nhập khẩu, cũng khiến nhiều người đẩy hàng ra thị trường sớm để giảm thiểu rủi ro, kéo giá giảm thêm.
Tình hình xuất khẩu: Giảm lượng, tăng giá trị
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 4/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 11.291 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch 78,43 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2025, tổng lượng xuất khẩu đạt 58.561 tấn, tương đương 403,03 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng xuất khẩu giảm 16,63%, nhưng giá trị tăng tới 36,96%. Điều này cho thấy giá xuất khẩu bình quân đã tăng đáng kể.
Cụ thể, trong tháng 3/2025, giá xuất khẩu bình quân đạt 7.002 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 2 và tăng tới 62,7% so với tháng 3 năm ngoái. Trung bình 3 tháng đầu năm, mức giá đạt 6.867 USD/tấn – cao hơn 65,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức giá kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một đợt điều chỉnh giá xuất khẩu vào đầu tháng 4. Tại các cảng TP. Hồ Chí Minh, ngày 10/4/2025, giá các loại hạt tiêu giảm khoảng 400 USD/tấn so với tháng trước. Cụ thể, tiêu đen loại 500g/l giảm còn 6.600 USD/tấn, tiêu đen 550g/l ở mức 6.800 USD/tấn, còn tiêu trắng dao động khoảng 9.600 USD/tấn.
Dù giá xuất khẩu tăng cao, nhưng lượng tiêu thụ ở nhiều thị trường chủ lực lại giảm mạnh.
Vẫn theo Cục XNK, trong 3 tháng đầu năm, top 10 thị trường nhập khẩu hạt tiêu lớn của Việt Nam, có 7 thị trường giảm 2 con số. Theo đó, Hoa Kỳ – thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam – giảm 27,8%. Thị trường lớn thứ 2 là Đức tăng gần 20%, Ấn Độ đứng thứ 3 với mức giảm 13,7%. Hàn Quốc đúng thứ 4 với mức giảm 16,3%, Anh đứng thứ 5 khối lượng nhập khẩu tăng đến 38,4%.
4 thị trường còn lại là Thái Lan, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Philippines lần lượt giảm gần 10%, 47,6%, 38,1% và 17,1%, riêng Tây Ban Nha tăng 0,7%.
Tuy vậy, điểm sáng đến từ thị trường Đức. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, trong tháng 1/2025, Đức nhập khẩu 1.017 tấn hạt tiêu từ Việt Nam, trị giá 8,16 triệu USD – tăng 80,4% về lượng và tăng sốc tới 227,7% về trị giá so với cùng kỳ 2024. Điều này khẳng định vai trò của Việt Nam là nguồn cung lớn nhất cho thị trường Đức.
Nguồn cung toàn cầu khan hiếm – yếu tố hỗ trợ giá trong dài hạn
Bất chấp đợt điều chỉnh giảm ngắn hạn, giới chuyên gia và Hiệp hội Hạt tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) vẫn lạc quan về xu hướng giá trong trung và dài hạn. Theo VPSA, yếu tố then chốt tác động đến thị trường hiện nay không phải là chính sách thuế của Hoa Kỳ, mà là cán cân cung – cầu toàn cầu.
Thực tế, sản lượng hồ tiêu tại nhiều quốc gia sản xuất lớn đang sụt giảm nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và chi phí đầu vào tăng cao. Tại Indonesia và Ấn Độ – hai nhà sản xuất lớn trong khu vực – sản lượng vụ 2025 được dự báo giảm đáng kể. Điều này dẫn đến nguồn cung toàn cầu ngày càng thắt chặt, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu tại các thị trường như châu Âu, Mỹ và Trung Đông vẫn duy trì ở mức cao.
Đồng thời, việc Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế đối ứng với mặt hàng hạt tiêu trong vòng 90 ngày cũng được xem là yếu tố tích cực, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thời gian thích ứng, lên phương án đàm phán lại hợp đồng và ổn định dòng tiền.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia sản xuất gặp khó, Việt Nam – với vai trò là nhà cung cấp hạt tiêu hàng đầu thế giới – đang có lợi thế lớn. Sản lượng ổn định, chất lượng sản phẩm cải thiện liên tục, cộng với hệ thống logistics và xuất khẩu chuyên nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt duy trì vị thế và có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu từ các thị trường khắt khe nhất.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ xu hướng tăng giá, giới chuyên môn khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực chế biến sâu, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng như tiêu hữu cơ, tiêu xay sẵn, và đặc biệt là mở rộng hệ thống phân phối quốc tế.
Mặc dù đang trải qua giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, nhưng với triển vọng cung cầu toàn cầu mất cân đối, giá hạt tiêu nhiều khả năng sẽ phục hồi trong những tháng tới. Sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu, ngay cả khi sản lượng giảm, là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng và lợi thế cạnh tranh mà ngành hồ tiêu Việt Nam đang nắm giữ.
Trong bối cảnh ngành nông sản nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức, hồ tiêu vẫn là một điểm sáng nếu có chiến lược sản xuất – kinh doanh linh hoạt, nắm bắt tốt tín hiệu thị trường và tiếp tục củng cố các thị trường truyền thống bên cạnh việc mở rộng sang các thị trường mới tiềm năng.